Nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản ra bên ngoài hiện rất dồi dào bởi bên cạnh vốn doanh nghiệp, còn có vốn tài trợ của chính phủ và nguồn vốn rất lớn của các quỹ.
Những cái tên lớn trong các lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ, tài chính, xây dựng... đến từ Nhật Bản đang mong muốn thông qua hội thảo “M&A tại VN- sức hút từ thị trường Nhật” để có thể gặp những đối tác VN phù hợp.
Hội thảo “M&A tại VN - sức hút từ thị trường Nhật” do báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật) phối hợp tổ chức ngày 12-11-2013, tại Tokyo, Nhật. Hai đơn vị hỗ trợ thực hiện là Quỹ đầu tư Iwakaze và Công ty BWLaws.
Theo thông tin từ báo Mainichi và Quỹ đầu tư Iwakaze, đến thời điểm này lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ăn uống thu hút khá nhiều tên tuổi hàng đầu Nhật Bản đăng ký tham dự hội thảo muốn tìm kiếm đối tác VN như: chuỗi nhà hàng số 1 về mì Nhật Bản Sagami Chain, chuyên bán đồ ăn Nhật, hay thương hiệu ẩm thực lớn thứ ba của Nhật (xếp về doanh số bán hàng) với món cơm bò Matsuya Food; một cái tên khác cũng rất quen thuộc trong lĩnh vực bánh, kẹo là Công ty Calbee chuyên sản xuất bánh kẹo... Theo đại diện Sagami Chain, doanh nghiệp này mong muốn tìm đối tác để mở cửa hàng tại VN.
Lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực tại VN cũng được các nhà đầu tư Nhật thật sự quan tâm. Sau Intage, en-japan Recruit Global Incubator Partners (RGIP) đã có mặt tại VN thông qua các thương vụ M&A đình đám, hội thảo lần này có thêm sự tham gia của công ty chuyên về dịch vụ nhân sự như: Nihon Keiei, Careerlink, Kousaido... Lĩnh vực tài chính ngân hàng tại VN tiếp tục hấp dẫn các đối tác Nhật. Cụ thể như The Bank of Hyakugo Ltd hay Shinsei Financial... cho biết đều mong muốn tìm kiếm những đối tác VN trong mục tiêu mở rộng thị trường.
Trong hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký đến thời điểm này, ở mỗi lĩnh vực hợp tác đều ghi nhận những tên tuổi lớn tham gia cho thấy sức hấp dẫn của thị trường VN từ phía Nhật rất lớn. Chẳng hạn mảng logistics có J&K Logistics, chuyên tư vấn logistics cho các công ty nước ngoài, trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng vốn là thế mạnh của nhà đầu tư Nhật, những tập đoàn lớn như TokyoRope (sản xuất thép), Công ty bất động sản Mitsui Fudosan, Toyo Construction, Tokyo Metro...
Theo ông Hiroshi Nishiyama, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Iwakaze (Nhật Bản), nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản ra bên ngoài hiện rất dồi dào bởi bên cạnh vốn doanh nghiệp, còn có vốn tài trợ của chính phủ và nguồn vốn rất lớn của các quỹ, điều này tạo động lực cho các hoạt động M&A với thị trường bên ngoài, trong đó trọng tâm là VN.
Không khí hào hứng được ghi nhận không chỉ từ phía Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp VN đã rất chủ động chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc tìm kiếm đối tác. Nhu cầu tái cấu trúc để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước và tận dụng năng lực cũng như nguồn vốn từ các công ty nước ngoài của các công ty VN là có thật.
Ông Nguyễn Văn Tư, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết đang tìm kiếm một đối tác Nhật cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng dành cho người già tại Vũng Tàu. “Với lợi thế sẵn có là khu đất rộng 5ha đầy đủ cơ sở hạ tầng tại Long Hải, Vũng Tàu, tôi đang muốn tìm một đối tác không chỉ mạnh về vốn mà còn có nhiều kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực nghỉ dưỡng”, ông Tư cho biết. Ước tính dự án này có vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD và hiện nay cần góp vốn thêm khoảng 10 triệu USD.
Sức hút của cổ phần hóa, tái cơ cấu, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp của VN cũng thúc đẩy M&A tăng trưởng nhanh chóng. Từng đóng cửa với rất nhiều quỹ đầu tư khi họ ngỏ ý, ông Thái Tuấn Chí, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty dệt Thái Tuấn, cho rằng nay đã khác. “Trong chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp, củng cố vị thế tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế không thể thiếu những cái bắt tay xuyên quốc gia”, ông Chí nói.
Theo Như Bình
Tuổi trẻ