Trao đổi với Tiền Phong sau buổi tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” sáng 15/8, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, chính sách đúng nhưng trong thực hiện nông dân vẫn khó tiếp cận vốn.
Không yêu cầu vẫn giữ sổ đỏ
Ông Lại Xuân Môn cho biết, hiện còn nhiều rào cản khiến nông dân chưa tiếp cận được vốn. Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định không phải thế chấp sổ đỏ nhưng ngân hàng vẫn giữ sổ đỏ của nông dân thì mới cho vay vốn.
Vẫn tồn tại quá nhiều thủ tục cho vay trong khi trình độ nông dân còn hạn chế. “Nếu không giải quyết tốt chính sách tín dụng của nhà nước thì tín dụng đen sẽ nảy sinh bởi vay ở bên ngoài đơn giản, mỗi cái giấy viết tay là xong”- ông Môn cảnh báo.
Lý giải việc vẫn giữ sổ đỏ của nông dân mặc dù Nghị định 41 không yêu cầu tài sản bảo đảm khi cho nông dân vay tới 50 triệu đồng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Nguyễn Tiến Đông cho rằng, làm như vậy để tránh việc nhiều tổ chức tín dụng cho vay cùng 1 hộ, dẫn đến vượt quá khả năng trả nợ.
Thích cho DN vay hơn
Có một thực tế là các tổ chức tín dụng về nông thôn thường thích cho doanh nghiệp vay hơn. Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông thừa nhận, cho vay món nhỏ lẻ chi phí hoạt động cao. “Món vay nhỏ, chi phí cao, rủi ro lớn, nên nếu không có lượng chi nhánh gần dân, không đủ lượng cán bộ, thì muốn cho vay tới hộ dân cũng không cho vay được”- ông Đông lý giải.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN Lại Xuân Môn cho biết, Hội Nông dân đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước, Agribank nhưng đến nay tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội mới là 13.000 tỷ đồng, trong khi cả nước có tới 14 triệu hộ. Như vậy chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cần có đánh giá lại tổng thể tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 và chính sách tín dụng cho phù hợp. “Tín dụng vay vốn phải bám sát với tổ chức lại sản xuất thì mới hiệu quả. Trong chính sách tín dụng tới đây, ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực”- ông Tám kiến nghị.
Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay.
|
Theo TienPhong