Cuối tuần trước, hai ngân hàng lớn là Vietcombank và Agribank bất ngờ giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống mức 5%/năm, trong khi mặt bằng chung của thị trường duy trì mức 6,5 - 7%/năm. Đây có thể là tín hiệu giảm lãi suất cả huy động và cho vay của thị trường trong thời gian tới.
Lãi suất huy động hiện nay đã ở mức rất thấp
Các ngân hàng lớn đang dư tiền
Hiện lãi suất huy động của nhóm NHTM nhà nước phổ biến như sau: không kỳ hạn là 1 - 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5 - 6,8%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 7,5 - 8%/năm. Đối với nhóm NHTM cổ phần, lãi suất huy động phổ biến như sau: không kỳ hạn là 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5 - 7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 7 - 8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 8,5 - 9%/năm. Như vậy, quyết định hạ lãi suất của Vietcombank và Agribank khá bất ngờ trong bối cảnh thị trường chung.
Chia sẻ về quyết định hạ lãi suất huy động, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đơn giản chỉ là điều chỉnh để lãi suất các kỳ hạn hợp lý hơn, không có nhiều sự cách biệt. Cụ thể, gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn ngắn lãi suất thấp, kỳ hạn dài lãi suất cao. Đặc biệt, trong bối cảnh tín dụng không tăng, Ngân hàng dư tiền từ nhiều tháng trước.
“Lãi suất huy động không kỳ hạn từ 1 - 1,2%/năm thì không có lý gì kỳ hạn có 1 tháng mà lãi suất lại lên đến 6%/năm”, ông Thanh nói.
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp Agribank cho hay, người dân đang nghe ngóng xem lãi suất liệu có tăng lên hay không, nên phần lớn vẫn gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 tháng. Do vậy, quyết định hạ lãi suất huy động ngắn hạn của Agribank được đưa ra nhằm để người gửi tiền thấy được sự ổn định của lãi suất huy động, yên tâm gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn. Về phía Agribank, cơ cấu vốn có kỳ hạn dài tăng lên sẽ giúp Ngân hàng chủ động hơn, có kế hoạch về nguồn vốn cho vay DN tốt hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, Vietcombank và Agribank đang dư vốn, không cần giữ lãi suất cao để huy động nên điều chỉnh giảm để hỗ trợ cho vay ra với lãi suất tốt hơn. Nhưng giảm lãi suất hiện chỉ phù hợp với các ngân hàng lớn, không ít ngân hàng “nhóm dưới” đang cần vốn hay thanh khoản chưa được ổn định vẫn phải để lãi suất huy động cao, nhất là trong bối cảnh đang có sự chuyển dịch từ đồng Việt Nam sang vàng và ngoại tệ.
“Với lợi thế sẵn có về quy mô, thương hiệu, năng lực…, ngân hàng lớn vẫn có những khách hàng riêng, không lo ngại mất khách nên mạnh dạn hạ lãi suất huy động”, TS. Hiếu nói.
Triển vọng giảm lãi suất
Lãnh đạo Agribank nhận định, xu thế chung hiện chưa thể hạ được lãi suất huy động hơn nữa. Dù thanh khoản toàn hệ thống đã tốt hơn rất nhiều, nhưng không thể chủ quan với khả năng nguồn vốn huy động sụt giảm. Về lãi suất cho vay, Agribank đã hạ lãi suất xuống 6%/năm nhằm mở rộng tín dụng, hoạt động cho vay của Ngân hàng rất tốt. Tuy nhiên, Agribank không thể hạ lãi suất thấp hơn, bởi rủi ro trong việc cho vay lớn và chênh lệch lãi suất huy động - cho vay không mang lại lợi nhuận hợp lý.
Theo báo cáo của Agribank, tính đến 30/6/2013, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng đạt 339.503 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2012, chiếm gần 70% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân đạt 264.043 tỷ đồng, tăng 7,6%, chiếm 52,8% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các chương trình tăng trưởng tốt: cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản đạt 26.154 tỷ đồng, tăng 9,3%; cho vay lương thực đạt 16.438 tỷ đồng, tăng 3,5%; cho vay chăn nuôi đạt 64.930 tỷ đồng, tăng 9,3%; cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê đạt 9.618 tỷ đồng.
Với Vietcombank, ông Thanh chia sẻ, đặc thù kinh doanh của Ngân hàng là cho vay ngoại tệ nhiều, nhưng cho vay lĩnh vực này bị hạn chế đối tượng theo chủ trương của Chính phủ, nên hoạt động kinh doanh này khó khăn hơn, dẫn đến vốn dôi dư ra nhiều. Đặc biệt, thời gian vừa qua, lo ngại USD tăng giá, các DN trả nợ Ngân hàng khoảng 600 triệu USD, trong khi tiền đồng còn nhiều bởi không thể đẩy mạnh cho vay. Nguồn vốn lớn cũng hỗ trợ Ngân hàng ra quyết định hạ lãi suất huy động.
“Lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, khó có thể giảm hơn. Việc hạ lãi suất lần này của Vietcombank sẽ không có tác động lớn lên thị trường, chưa chắc các ngân hàng khác theo động thái giảm lãi suất của Ngân hàng”, ông Thanh nói.
Về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dự đoán, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngắn hạn của Vietcombank và Agribank có thể tạo ra làn sóng nhẹ trên thị trường về giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn và giảm nhẹ lãi suất cho vay. TS. Hiếu thì cho rằng, cần thời gian theo dõi thêm. Quyết định của hai ngân hàng vừa qua chưa chắc sẽ kéo lãi suất của hệ thống ngân hàng xuống, nhưng ít nhiều có tác động đến lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình kinh tế nửa cuối năm tại Việt Nam, Báo cáo “Kinh tế vĩ mô -Triển vọng kinh tế châu Á” quý III/2013 vừa được Khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC công bố cho biết, lạm phát dự kiến vẫn trong tầm kiểm soát do nhu cầu nội địa yếu và giá cả hàng hóa toàn cầu thấp. Nhưng nếu việc thu ngân sách chậm chạp là kết quả của tăng trưởng kinh tế đang ngày càng chậm hơn thì Chính phủ có thể sẽ tăng chi phí dịch vụ công cộng. Do đó, cơ hội để cắt giảm thêm lãi suất bị thu hẹp.
Theo ĐTCK