Việt Nam ngày càng trở thành một nước nhập khẩu lớn
Việt Nam ngày càng trở thành một nước nhập khẩu lớn; vừa nhập tư liệu sản xuất, vừa nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) vừa công bố bản báo cáo về triển vọng giao thương Việt Nam. Theo báo cáo, trái ngược với hầu hết các nước láng giềng ở châu Á mới nổi, năm ngoái, Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất khẩu hai con số, vượt qua tình hình suy thoái toàn cầu. Giá trị xuất khẩu tính theo USD tăng khoảng 20% trong năm 2012 nhờ vào ngành viễn thông, nhựa, quần áo và may mặc.
Vẫn theo báo cáo, lĩnh vực dệt may có thể tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào mức lương cạnh tranh và ngành này sẽ góp khoảng 20% tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2013 đến 2015. Việt Nam đang phát triển mạnh lĩnh vực viễn thông và ngành này sẽ đóng góp khoảng 10% tăng trưởng xuất khẩu trong 20 năm tới. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng trở thành một nước nhập khẩu lớn; vừa nhập tư liệu sản xuất để đáp ứng nhu cầu hạ tầng cơ sở lớn, vừa nhập khẩu hàng tiêu dùng để đáp ứng một thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh.
Báo cáo nhận định, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bangladesh và Hàn Quốc sẽ nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam trong 20 năm tới. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi xu hướng giao thương nội vùng châu Á tăng; Mỹ và Nhật Bản vẫn nằm trong số ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Theo Hồng Dung
ĐTCK