IPTV đang phát triển rất nhanh và được xem là cứu cánh cho mạng cố định của VNPT hiện nay.
IPTV tận dụng hạ tầng mạng cố định và ADSL
Hiện tại, cả nước có khoảng gần 1 triệu thuê bao IPTV của 4 nhà cung cấp là VNPT, Viettel, FPT và VTC. Xét về mặt công nghệ thì IPTV có khả năng mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng hơn là dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh hay truyền hình số mặt đất. Hiện nay, dịch vụ IPTV nhìn chung có giá rẻ hơn dịch vụ trả tiền khác, với mức giá dao động từ 60.000 - 135.000 đồng/tháng, số lượng kênh khoảng 60 - 100 và đi kèm nhiều dịch vụ gia tăng tiện ích tùy gói cước.
Dịch vụ MyTV của VNPT đã có trên 800.000 thuê bao. Ảnh: Ngọc Ninh
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT Telecom cho rằng, lợi thế mạnh nhất của IPTV là tính năng tương tác, cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của từng cá nhân. Bên cạnh đó, các nội dung chương trình không bị đóng khung, người xem có thể lưu trữ chương trình yêu thích và xem lại bất cứ lúc nào. Về lâu dài, IPTV còn có thể cho phép khán giả xem qua nhiều thiết bị đầu cuối như ti vi, điện thoại di động hay máy tính bảng.
Song hạn chế lớn nhất của IPTV là phải cung cấp trên hạ tầng cố định (điện thoại cố định cộng ADSL). Đồng thời IPTV còn đòi hỏi khắt khe về đường truyền, hạ tầng truyền dẫn phải có băng thông rộng (xem các kênh HD đường truyền phải từ 10Mb trở lên). Do đó, để IPTV có chất lượng cao nhà cung cấp dịch vụ phải có hạ tầng cố định rất tốt.
Như vậy, chỉ có VNPT đủ điều kiện phát triển IPTV thành công dựa vào hạ tầng thuê bao cố định và ADSL sẵn có. Với hạ tầng này VNPT có thể cung cấp cho khách hàng 3 dịch vụ trên một đường truyền (điện thoại cố định, ADSL và MyTV). Theo ý kiến của một số chuyên gia, IPTV được xem là cứu cánh để chống thuê bao cố định rời mạng.
Ông Nguyễn Xuân Vĩnh - Trưởng phòng Kinh doanh của VNPT Thanh Hóa cho biết, IPTV đang có tốc độ phát triển nhanh tại tỉnh này, với khoảng 20.000 thuê bao MyTV và trên 10.000 thuê bao LamSonTV. Chỗ nào sóng truyền hình kém thì IPTV có cơ hội phát triển tốt hơn, IPTV cũng dễ phát triển ở các huyện nơi dịch vụ truyền hình ít bị cạnh tranh. Ông Vĩnh cho biết, VNPT Thanh Hóa đưa ra những gói cước ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ "3 trong 1" đường truyền, do đó thu hút được lượng khách hàng đang dùng điện thoại cố định dùng thêm ADSL và truyền hình.
Đại diện Công ty VASC (đơn vị triển khai MyTV) đánh giá, MyTV có tốc độ tăng thuê bao nhanh chóng - đạt 800.000 thuê bao trong vòng 3 năm, hiện mỗi tháng phát triển khoảng 20.000 thuê bao mới.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình rằng IPTV là cứu cánh chống thuê bao cố định rời mạng, đồng thời giúp cho mạng cố định khỏi bị lỗ. Nhiều khách hàng sử dụng IPTV như MyTV, NextTV, OneTV đều cảm thấy rất hài lòng với dịch vụ hiện tại bởi những tính năng độc đáo và thuận tiện như xem lại, “tua” chương trình, phim, ca nhạc theo yêu cầu…
Kiểm tra theo dõi đường truyền cung cấp dịch vụ MyTV. Ảnh: Ngọc Ninh
IPTV khó bùng nổ
Đại diện VASC nhận định, MyTV là dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - những nơi dịch vụ truyền hình trả tiền chưa "bành trướng". Mặc dù cả nước đã có 4,3 triệu thuê bao Internet song nhiều ý kiến cho rằng, IPTV khó có thể "bùng nổ" bởi dịch vụ này đòi hỏi khắt khe về băng thông. Những thuê bao cố định có khoảng cách so với hộp kỹ thuật trên 1km, hoặc đường cáp cũ thì khó cung cấp được dịch vụ. Tính đến nay, VNPT có khoảng 2,7 triệu thuê bao Internet băng rộng, dự báo nếu MyTV phát triển tối đa thì chỉ có trên 2 triệu thuê bao là cùng. Mặt khác, MyTV có đặc điểm chỉ phát triển được ở thị trường vùng xa, đa số khách hàng dùng gói cước giá rẻ nên doanh thu thấp.
Viettel và FPT được đánh giá là khó khăn trong phát triển thuê bao IPTV do hạn chế về hạ tầng mạng cố định. Hiện Viettel có khoảng 400.000 thuê bao cố định và ADSL, với khoảng vài chục nghìn thuê bao NetTV, tốc độ phát triển 1.000 - 2.000 thuê bao/tháng. Viettel chỉ coi NetTV là dịch vụ cộng thêm gia tăng tiện ích cho khách hàng chứ không có ý định đầu tư mạnh.
FPT Telecom không công bố số thuê bao OneTV nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia thì con số cũng chỉ tương tự như NetTV. VTC tuy phát triển dịch vụ IPTV khá sớm nhưng do không có hạ tầng nên hợp tác cung cấp dịch vụ trên hạ tầng của VNPT. Do phải cạnh tranh trực tiếp với MyTV nên đến năm 2012, VTC bắt đầu thu hẹp thị trường, tạm dừng phát triển thuê bao mới ở một số tỉnh.
Từ 1/3/2013, FPT Telecom cho ra mắt dịch vụ FPT PLAY HD, một giải pháp cung cấp dịch vụ OneTV trên hạ tầng của nhà mạng khác (tương tự như VTC). Nhưng có ý kiến cho rằng, cung cấp dịch vụ IPTV trên đường cáp của nhà mạng khác gặp rủi ro rất cao vì chất lượng dịch vụ không đảm bảo do không đủ băng thông. Và trong trường hợp thỏa thuận hợp tác không rõ ràng, khi nhà mạng hạ dung lượng đường truyền thì chắc chắn dịch vụ IPTV sẽ "chết".
Ngoài ra, giá set top box khá cao cộng với việc không thể chia sẻ tín hiệu ra nhiều ti vi cũng là một hạn chế khiến người tiêu dùng ít lựa chọn IPTV.
IPTV là dịch vụ truyền hình tương tác mà t ín hiệu truyền hình được truyền qua hạ tầng Internet băng rộng, thông qua bộ giải mã (set top box) truyền th ẳng lên tivi. Ưu điểm lớn nhất của IPTV là có thể đáp ứng theo yêu cầu (On Demand) của người xem. Theo yêu cầu – có nghĩa là người dùng gửi mong muốn được xem chương trình gì, nội dung gì, nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể đáp ứng được nhờ kho ứng dụng trên nền tảng Internet. Đây là công nghệ mà các phương thức truyền dẫn tín hiệu truyền hình khác không thể đáp ứng được.
Hạn chế lớn nhất của IPTV so với truyền hình cáp là mỗi một set top box chỉ đi kèm với một tivi, nếu chia sẻ với các tivi khác thì tất cả các tivi đều chiếu cùng một nội dung. Điều này khó đáp ứng được nhu cầu xem của từng cá nhân trong một gia đình.
Theo Minh Quyên
ICTNews