Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

G8 tìm cách vực dậy kinh tế thế giới

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng các nhà lãnh đạo G8 khó có thể đạt được sự đồng thuận đối với hàng loạt vấn đề nóng hiện nay liên quan đến kinh tế toàn cầu.

Ngày 17/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ireland (Vương quốc Anh) với một chương trình nghị sự đầy tham vọng tập trung vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.

Phiên thảo luận chính thức cùng với các cuộc gặp song phương bên lề về hàng loạt những vấn đề nóng của toàn cầu đã phần nào phản ánh những mâu thuẫn đang tồn tại giữa các nước lớn. Bất đồng về chính sách đối với Syria mà câu hỏi lớn nhất là liệu có nên vũ trang cho quân nổi dậy ở quốc gia Trung Đông này hay không đã phủ mây đen lên bàn hội nghị thượng đỉnh lần này.

Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay được các nhà lãnh đạo xác định là cơ hội quan trọng để thảo luận hàng loạt những vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu mà cụ thể là nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại để từ đó tạo động lực khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Để làm được điều này, các nước G8 đặt ra mục tiêu phải hoàn thành các thỏa thuận thương mại, đồng thời hướng tới việc khởi động đàm phán về khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hy vọng các cuộc đàm phán có thể được bắt đầu từ tháng 7.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và vai trò của các ngân hàng trung ương trong nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ cũng được đề cập.

Nước chủ nhà Anh còn muốn tranh thủ diễn đàn này để thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động thương mại. Theo ước tính của các nhóm hoạt động xã hội, vấn nạn trốn thuế mỗi năm gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng các nhà lãnh đạo G8 khó có thể đạt được sự đồng thuận đối với hàng loạt vấn đề nóng hiện nay liên quan đến kinh tế toàn cầu. Ở mỗi khía cạnh, họ đều vướng phải những bất đồng về lợi ích.

Trong khi đó, cuộc nội chiến ở Syria lại là vấn đề chi phối toàn bộ hội nghị năm nay. Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về chính sách đối với Damascus ngày càng sâu sắc hơn khi Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở quốc gia Trung Đông này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, cuộc gặp giữa Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lâm vào bế tắc khi cả hai không tìm được tiếng nói chung. Nhà lãnh đạo Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, Anh về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Theo ông Putin, việc làm này vi phạm không chỉ những giá trị nhân đạo mà còn cả luật pháp quốc tế.

Theo Huyền Anh
Chinhphu.vn