Tin kinh tế
Khả năng phục hồi kinh tế là rất lớn
Một nền kinh tế lành mạnh là trong đó phải có một thị trường tài chính lành mạnh, để hỗ trợ vốn hiệu quả cho các thành phần kinh tế.
Việt Nam có khủng hoảng tài chính không - theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là không.
Ông nói, Việt Nam không có khủng hoảng tiền tệ khi tỷ giá hối đoái tương đối ổn định. Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng không xảy ra khi thanh khoản hệ thống đã được củng cố, nợ xấu từng bước được khắc phục. Khủng hoảng nợ công khó xảy ra khi nợ Chính phủ Việt Nam, chưa đáng lo ngại. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam chưa thực sự rơi vào khủng hoảng và khả năng phục hồi rất lớn.
Với tất cả chính sách đã được công bố nếu được thực hiện nghiêm túc, tình hình có thể được cải thiện rõ ràng hơn vào nửa cuối năm 2013, với ba lộ trình ưu tiên: Một là, khôi phục đà tăng trưởng; hai là, tạo đột phá về tái cấu trúc, đặc biệt là khu vực tài chính ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước; ba là, khôi phục lòng tin nhà đầu tư tiến tới tăng trưởng mạnh hơn trong vài ba năm tới.
Các nhà kinh tế cho rằng, khôi phục dòng chảy vốn đang có các điểm nghẽn trên thị trường tài chính không đơn giản, do thị trường tài chính hiện đang yếu và chưa đồng bộ. Các công cụ nợ chưa thực sự phát huy để dòng vốn chảy mạnh mẽ. Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, về nguyên tắc phải giảm lãi suất, trong khi để chống lạm phát lại cần duy trì lãi suất cao để khống chế cầu.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trên thực tế nhu cầu tiêu dùng và cầu đầu tư hiện rất thấp, doanh số bán lẻ tăng rất chậm, ngay cả khi hạ lãi suất thêm trong ngắn hạn cũng khó có khả năng kích thích tăng tổng cầu.
Lý do chủ yếu khiến tín dụng không tăng một cách bình thường, đó là nhiều ngân hàng lớn thừa vốn, nhưng một số ngân hàng nhỏ lại gặp khó khăn về thanh khoản. Nguyên nhân một phần là do cho vay không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với nợ xấu quá lớn, đang cản trở tăng trưởng tín dụng và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.
Vấn đề tái cơ cấu tài chính chủ yếu đặt vào xử lý nợ xấu và phục hồi khả năng sinh lời. Đây là giai đoạn quyết định nhất của toàn bộ chương trình. Nợ xấu phản ánh chất lượng tài sản thấp, hiệu quả hoạt động yếu và làm tắc nghẽn dòng tiền đi từ ngân hàng đến nền kinh tế.
Theo TS. Nghĩa, cho đến nay, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tái cơ cấu một phần nợ xấu bằng cách giãn nợ, khoanh nợ bằng sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 4%. Phần còn lại khá lớn sẽ xử lý bằng nhiều cách, trong đó thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia.
Công ty này hoạt động theo nguyên tắc mua nợ xấu từ ngân hàng, bán nợ xấu ra nền kinh tế không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng bảo toàn vốn. Vốn hoạt động chủ yếu của công ty này là trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành có sự bảo lãnh của NHNN và chịu sự quản lý và giám sát trực tiếp bởi NHNN.
Một lý do nữa khiến thị trường tài chính chưa thể hồi phục, theo ông Phạm Đức Thắng – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán FLC, đó là các tài sản tài chính chưa giảm về giá trị thực, do vậy chưa thu hút được nguồn tiền nhà rỗi từ dân cư, từ đó hàng tồn kho BĐS tiêu thụ rất chậm, tỷ lệ nợ xấu cao và chưa có phương án giải quyết triệt để.
Như đã đề cập, việc khơi thông dòng vốn giúp nền kinh tế phát triển không đơn thuần là giảm lãi suất. Vấn đề phải xử lý song song hiện nay là nợ xấu. Tuy nhiên chỉ xử lý nợ xấu đơn thuần trong ngắn hạn không thể làm tăng tín dụng. Đặc biệt là tín dụng cho những doanh nghiệp có nợ xấu hoặc có lịch sử tín dụng với tín nhiệm thấp.
Vì vậy, theo TS. Nghĩa, Chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh doanh nghiệp loại này có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có hiệu quả.
Hiện nay, NHNN đang thực hiện xử lý nợ xấu chủ yếu dựa vào nguồn lực của các NHTM. Những ngân hàng nhỏ, nợ xấu lớn, phải trích lập dự phòng rủi ro cho tài sản tài chính (trái phiếu doanh nghiệp), nợ xấu đã được hạch toán ngoại bảng có thể gây khó khăn cho các ngân hàng loại này, thậm chí sẽ bị buộc sáp nhập hoặc mua lại.
Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách chiến lược đã lường hết những rủi ro và chắc chắn sẽ có đối sách đề phòng để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra cho toàn bộ thị trường tài chính.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh việc cần phải lưu ý những rủi ro khi xử lý thị trường tài sản. Vì giải quyết nợ xấu trong điều kiện thị trường kém phát triển và nguồn tài chính bổ sung yếu, có thể làm thị trường BĐS đình trệ hơn, nhất là khi các khoản nợ sẽ được chuyển sang Công ty Quản lý tài sản quốc gia mà không bán được hoặc bán với giá thấp gây tổn thất lớn cho ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời gây bất ổn thị trường.
Theo Quang Anh
Thời báo ngân hàng