Tin kinh tế
Lại sửa đổi nghị định về cổ phần hoá
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Tài chính phải xây dựng, ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, ngay trong quý 1.2013 phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Như vậy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã phải ban hành tới 5 nghị định thay thế nhau liên quan đến việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 64/2002/NĐ-CP, Nghị định 187/2004/NĐ-CP, Nghị định 109/2007/NĐ-CP, và Nghị định 59/2011/NĐ-CP).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2003 - 2007 cả nước cổ phần hoá được 2.765 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm cổ phần hoá được 550 doanh nghiệp thì trong giai đoạn 2008 - 2011 chỉ cổ phần hoá được 117 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm cổ phần hoá được 29 doanh nghiệp. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Nghị định 59/2011/NĐ-CP (ngày 5/9/2011) đến nay chỉ cổ phần hoá được khoảng 10 doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong quý I/2013, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; Nghị định quy định về Chế độ quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; Nghị định quy định về Chế độ báo cáo và công khai tài chính; Nghị định quy định về Cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Nghị định quy định về Chế độ quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phải xây dựng văn bản hướng dẫn Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; Tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Cơ chế giao nhiệm vụ và tham gia thực hiện cung cấp và bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu của nền kinh tế.
Ngay trong tháng 1/2013, Bộ Tài chính phải ban hành Tiêu chuẩn, điều kiện kế toán trưởng doanh nghiệp; Quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định Chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý I/2013 phải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về Thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và giải thể công ty TNHH một thành viên; Dự thảo Điều lệ mẫu của tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Dự thảo Chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp.
Ngay trong tháng 1/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty TNHH một thành viên. Ngoài ra, Bộ này còn phải hoàn thiện Nghị định về Tổ chức, quản lý, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP về Thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước).
Bộ Nội vụ ngoài việc hoàn thiện hàng loạt nghị định liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật và tiêu chí đánh giá chủ tịch, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc… doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Quy định về chỉ định, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện; Tiêu chí đánh giá người đại diện; Đề cử để bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm của thành viên HĐQT… còn phải trình Chính phủ Nghị định quy định về Chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh đối với tổng giám đốc (giám đốc) doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với tổng giám đốc (giám đốc) doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Trong tháng 1./2013, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, PVN, Vinacomin, Vinachem, Vinatex, VNPT, VRG, Viettel, Vinafoot 1, Vinafoot 2, Vietnam Airlines, Vinalines, và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Các bộ kể trên phải phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc bộ ngay trong tháng 2/2013.
Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư