Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Tách khỏi VNPT, VietnamPost khởi động hành trình mới

Trong năm 2012, năm thứ 5 tách ra hạch toán độc lập với viễn thông, tổng lợi nhuận của toàn VietnamPost ước đạt trên 42 tỷ đồng.

Sau khi quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) được chính thức bàn giao từ VNPT về Bộ TT&TT ngày 19/12/2012, thương hiệu “Bưu điện Việt Nam” cũng sẽ ra mắt, đánh dấu chặng đường phát triển mới của VietnamPost.

Thời khắc hoàn tất chia tách BC-VT đã điểm!

Ngày 19/12, Tập đoàn VNPT tổ chức Lễ công bố Quyết định 1746/QĐ-TTg (QĐ 1746) ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại VietnamPost từ VNPT sang Bộ TT&TT. Đây là bước cuối cùng hoàn tất lộ trình chia tách bưu chính với viễn thông (BC-VT) tại Việt Nam, đã được khởi động từ hơn 10 năm trước. Đặc biệt, kể từ năm 2008 đến nay, khi VietnamPost được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, tuy vẫn là một đơn vị trong Tập đoàn VNPT song VietnamPost có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán kinh doanh độc lập với VNPT. Cũng từ đây, với tư cách là 2 pháp nhân độc lập, quan hệ kinh tế phát sinh giữa VNPT và VietnamPost được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tách VietnamPost hoạt động độc lập, thời điểm 2008, lý do chính khiến Nhà nước, ngành Bưu điện quyết định vẫn để VietnamPost nằm trong VNPT là bởi cần có thời gian để hoàn tất quá trình bàn giao vốn và tài sản; nguồn trợ cấp cho hoạt động công ích của Nhà nước trong 3 năm từ 2008 đến 2010 được lấy từ lợi nhuận sau thuế của VNPT; và nhất là cần sự hỗ trợ của Tập đoàn cho VietnamPost trong giai đoạn đầu nhiều khó khăn.

Cụ thể, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong 5 năm qua, khi vẫn nằm trong VNPT, VietnamPost đã được nhận nhiều sự hỗ trợ từ Tập đoàn như hỗ trợ một phần kinh phí rà soát tổ chức lại mạng lưới, sắp xếp lại lao động; trong việc khám chữa bệnh, điều dưỡng và sử dụng các Sở Y tế của VNPT; trong công tác thi đua, khen thưởng và hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ…

Đáng kể hơn cả là sự hỗ trợ của VNPT đối với VietnamPost về chính sách ưu đãi trong phát triển kinh doanh các dịch vụ VT-CNTT, nhất là thị phần dịch vụ thu cước thuê bao viễn thông, góp phần tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho VietnamPost. Đã có thời điểm doanh thu từ các dịch vụ hợp tác VT-CNTT, đặc biệt là thu cước chiếm tới 60-70% tổng doanh thu phát sinh của VietnamPost.

Với sự trợ lực của VNPT, sự hỗ trợ của Nhà nước, trong 5 năm qua hoạt động SX-KD của VietnamPost đã dần khởi sắc qua các năm. Đặc biệt, các mảng kinh doanh dịch vụ lõi (tài chính bưu chính, bưu chính chuyển phát, phân phối truyền thông - PV) giai đoạn 2008 - 2012 luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, từ chỗ đạt 2.300 tỷ đồng năm 2008 thì đến năm 2012 dự kiến đạt 3.341 tỷ đồng; góp phần quan trọng giảm sự phụ thuộc của VietnamPost vào nguồn thu từ các dịch vụ VT-CNTT và trợ cấp công ích của Nhà nước. Theo thống kê, tỷ lệ chênh lệch thu-chi (không bao gồm thanh toán dịch vụ công ích) đã giảm nhanh và liên tục trong 5 năm qua, từ (-) 1.286 tỷ đồng năm 2008 xuống còn (-) 416 tỷ đồng năm 2012.

Kết quả đáng khích lệ này của VietnamPost không những khẳng định tính đúng đắn của chủ trương chia tách BC-VT mà còn cho thấy tất cả điều kiện cần thiết cho việc tách VietnamPost hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT đã được chuẩn bị đầy đủ. Đại diện lãnh đạo VietnamPost nhấn mạnh: “5 năm qua chính là giai đoạn chuyển đổi, với mục tiêu để bưu chính tập dượt, chuẩn bị các điều kiện để có thể tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn. Có thể khẳng định, VNPT chính là “cái nôi”, là “bà đỡ” cho các hoạt động của bưu chính trước khi ra ở riêng”.

Hoạt động của VietnamPost sẽ được giữ ổn định

Tách VietnamPost hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT là định hướng lớn của Chính phủ, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay Bộ TT&TT) nhằm tạo điều kiện để VNPT và VietnamPost có thể chủ động hơn trong việc triển khai các định hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình. Với riêng VietnamPost, bên cạnh những thách thức, việc có riêng một bộ máy chuyên lo cho bưu chính cũng tạo cơ hội để VietnamPost có thể chủ động chăm lo cho dịch vụ, mạng lưới của mình.

Tuy nhiên, sau khi QĐ 1746 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, theo ghi nhận của báo Bưu điện Việt Nam, trên mạng lưới của VietnamPost vẫn còn một bộ phận nhỏ lao động bưu chính băn khoăn liệu sau khi chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về Bộ TT&TT, hoạt động của VietnamPost sẽ có những thay đổi ra sao, cán bộ nhân viên VietnamPost có được coi là viên chức nhà nước hay không. Tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo VietnamPost về công tác chuẩn bị bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại VietnamPost từ VNPT sang Bộ TT&TT ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã khẳng định, thay đổi chủ sở hữu nhưng VietnamPost vẫn hoạt động bình thường, chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. “Thời gian tới, toàn bộ hệ thống của VietnamPost vẫn tiếp tục vận hành ổn định. Chắc chắn không có sự thay đổi đột ngột gì khiến cho hoạt động của VietnamPost bị xáo trộn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, được đông đảo lao động ngành BC-VT quan tâm chính là mối quan hệ giữa VNPT cùng các đơn vị thành viên với VietnamPost sau khi VietnamPost tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với Tập đoàn. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Bình - TGĐ VietnamPost, thành viên HĐTV VNPT nhấn mạnh, trong giai đoạn vừa qua, khi cùng trong “mái nhà” VNPT, bưu chính và viễn thông đã có sự hợp tác vô cùng chặt chẽ. Tới đây, VietnamPost với VNPT càng cần có sự hợp tác khăng khít hơn, bởi nếu không hợp tác sẽ thiệt thòi cho cả 2 ngành.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện VietnamPost, sự hợp tác trong giai đoạn mới sẽ được thiết lập trên cơ sở quan hệ bình đẳng, sòng phẳng, minh bạch về kinh tế và trên cơ sở ai làm được gì và ko làm được gì sẽ tự phải chịu trách nhiệm với đối tác. “Chúng tôi luôn xác định mạng lưới của bưu chính là mạng lưới bán hàng của VNPT, là cánh tay nối dài của Tập đoàn tới khách hàng”, đại diện VietnamPost nói.

20/12: Ra mắt thương hiệu Bưu điện Việt Nam

Theo Quyết định 1746 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/12/2012, VietnamPost sẽ chính thức ra mặt thương hiệu "Bưu điện Việt Nam". Từ tháng 6/2008 dự án "Xây dựng thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu của Bưu chính Việt Nam" đã được khởi động. VietnamPost cho hay, trên cơ sở kết quả làm việc của đơn vị tư vấn (Liên danh Smart Media-JWT) và đề nghị của VietnamPost, tháng 3/2011, HĐTV Tập đoàn VNPT đã quyết định ban hành mẫu biểu trưng (logo) mới của Bưu chính Việt Nam; tiếp đó vào tháng 11/2011, Hội đồng thành viên VNPT đã ra quyết định triển khai hệ thống nhận diện của Bưu chính Việt Nam. Tháng 5/2012, Cục Sở hữu Trí tuệ VN đã cấp giấy đăng ký nhãn hiệu cho VietnamPost.

Thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu "Bưu điện Việt Nam" được xây dựng bảo đảm kế thừa truyền thống, đồng thời tạo ra những nét khác biệt của thương hiệu bưu chính. Logo VietnamPost được xuất phát từ ý tưởng động thái "mở thư". Biểu tượng lá thư đang mở là hình ảnh vừa mang tính truyền thống của bưu chính toàn cầu, vừa mang tính kế thừa với lịch sử Bưu Điện Việt Nam, đồng hành cùng đất nước qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Hình ảnh lá thư đang mở, kết hợp cùng tầm nhìn thương hiệu "Delivering more" - thể hiện bằng 4 vạch ngang màu vàng được thiết kế hướng lên cao tạo nên hình ảnh chữ "V" cách điệu. Logo được kết hợp màu vàng cam và màu xanh dương. Màu vàng cam được sử dụng cho phần biểu tượng hình, là màu sắc truyền thống của Bưu chính Việt Nam. Màu xanh dương được sử dụng trong phần biểu tượng chữ "Vietnam Post" là màu sắc biểu trưng cho tính kết nối, gắn bó. Đây cũng là màu sắc gắn kết với thương hiệu của VNPT.

Sự kiện ra mắt nhận diện thương hiệu "Bưu điện Việt Nam" sắp tới là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Bưu chính Việt Nam, đánh dấu điểm khởi đầu chặng đường phát triển mới - tách ra độc lập hoàn toàn với VNPT của VietnamPost. Đại diện lãnh đạo VietnamPost cho biết, chiến lược phát triển của Bưu điện Việt Nam tới đây có thể khái quát với 2 nhiệm vụ chính là: đảm bảo duy trì hoạt động mạng bưu chính công cộng, thực hiện các nhiệm vụ công ích Nhà nước giao; thúc đẩy phát triển kinh doanh trên cơ sở nền tảng mạng bưu chính công cộng, làm cho mạng lưới này hiệu quả hơn, qua đó dùng kinh doanh để bù lại phần nhiệm vụ công ích Nhà nước giao. VietnamPost xác định sẽ tập trung phát triển 3 mảng kinh doanh trụ cột: dịch vụ chuyển phát; bán lẻ các dịch vụ tài chính bưu chính; và phân phối-truyền thông. Với 3 trụ cột này, VietnamPost kỳ vọng từ nay đến 2015 (thời điểm Nhà nước không còn trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền cho VietnamPost - PV) sẽ có lợi nhuận và đến 2020 sẽ "cán đích" doanh số 30.000 tỷ đồng.

Theo ICTNews

123456789[10]...18