Tin kinh tế
VietnamPost lãi gần 156 tỷ từ dịch vụ tiết kiệm bưu điện
Năm 2012, VietnamPost đã thu được gần 156 tỷ đồng hoa hồng dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Đây là dịch vụ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển ở vùng sâu, vùng xa, và có thể giúp các bưu điện huyện giảm lỗ.
Bưu điện Hà Nội huy động tiết kiệm bưu điện đạt 492 tỷ đồng năm 2012. Ảnh: M.Q
Bưu điện Thanh Chương: Thoát lỗ nhờ tiết kiệm bưu điện
Thanh Chương là một huyện nghèo của Nghệ An, dân số khoảng trên 214 nghìn người, thu nhập của người dân chủ yếu là từ các nghề thuần nông, số ít hơn thì từ buôn bán, tiền lương, tiền công làm thuê hoặc con cái đi lao động ở xa gửi về. Trong khi đó, trên địa bàn này cũng có mặt của nhiều ngân hàng lớn, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Tín dụng nhân dân có mặt ở hầu hết các xã trong huyện.
Mặc dù thị trường được đánh giá ít tiềm năng nhưng số liệu từ Bưu điện tỉnh Nghệ An cho thấy, từ năm 2009 Bưu điện huyện Thanh Chương thường xuyên có số dư tiết kiệm bưu điện cao nhất trên toàn tỉnh, từ tháng 7/2011 luôn giữ vị trí số 1 về số dư tiết kiệm bưu điện so với các bưu điện huyện trên cả nước.
Cụ thể, tháng 7/2011 Bưu điện tỉnh Nghệ An đạt số dư tiết kiệm bưu điện trên 684 tỷ đồng, đứng số 1 trong số 63 bưu điện tỉnh/TP, trong đó Bưu điện huyện Thanh Chương đạt trên 177 tỷ đồng, chiếm 26%. Đến tháng 12/2012, Bưu điện tỉnh Nghệ An đạt số dư 1.032 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí số 1 trong 63 bưu điện tỉnh/TP, doanh số của Bưu điện huyện Thanh Chương chiếm khoảng 26%.
Theo Bưu điện Nghệ An, số dư tiết kiệm bưu điện của Thanh Chương tăng trưởng cao góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng 46% trong năm qua của Bưu điện Nghệ An.
Năm 2012, Bưu điện Thanh Chương lãi khoảng 3,2 tỷ đồng từ dịch vụ tiết kiệm bưu điện, tăng 70% so với năm 2011. Hiệu quả kinh doanh tiết kiệm bưu điện của Bưu điện Thanh Chương góp phần giảm chênh lệch thu chi của Bưu điện tỉnh Nghệ An từ khi chia tách ra khỏi viễn thông đến nay, trung bình từ 2008 – 2012 đơn vị này giảm lỗ bình quân 7 tỷ đồng/năm.
Ông Thái Văn Sung – Giám đốc Bưu điện huyện Thanh Chương cho biết, chi phí dịch vụ tiết kiệm bưu điện không đáng kể, nên nếu làm tốt sẽ đạt lợi nhuận lớn. Bưu điện huyện Thanh Chương hiện là một trong số ít bưu điện huyện trên cả nước đã cân bằng thu chi nhờ dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
Dịch vụ phát triển chưa đồng đều
Số liệu từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho thấy, dịch vụ tiết kiệm bưu điện đã tăng gấp đôi tổng số tiền gửi huy động trong dân sau 18 tháng chuyển từ VietnamPost về Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank). Tính đến hết tháng 12/2012 vốn huy động dịch vụ tiết kiệm bưu điện đã đạt trên 10.200 tỷ đồng. Thời điểm tháng 6/2011, khi chuyển giao từ VietnamPost sang số vốn huy động là 6.556 tỷ đồng, đến hết tháng 12/2011 vốn huy động mới chỉ đạt 6.922 tỷ đồng.
Dịch vụ tiết kiệm bưu điện mang lại nguồn thu khá lớn cho bưu điện. Năm 2012, VietnamPost được hưởng khoảng 156 tỷ đồng hoa hồng trong khi chi phí không đáng kể. Theo bà Cao Thị Hoài Đức – Giám đốc chi nhánh Tiết kiệm Bưu điện, sở dĩ dịch vụ tiết kiệm bưu điện tăng trưởng mạnh sau khi chuyển sang ngân hàng vì thuận lợi hơn về cơ chế hoạt động và lãi suất cạnh tranh hơn.
Theo nhiều ý kiến, hiện nay dịch vụ tiết kiệm bưu điện với cơ chế lãi suất bằng với ngân hàng, điều chỉnh lãi suất kịp thời, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, ngân hàng cũng đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. Bên cạnh đó, hệ thống bưu cục và nhân viên bưu điện thân thiện với người dân. Cho nên tiết kiệm bưu điện rất phù hợp với những người dân gửi các khoản tiền nhỏ lẻ, và có tiềm năng phát triển ở các vùng nông thôn, nơi có ít các dịch vụ ngân hàng hơn ở các trung tâm đô thị.
Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ tiết kiệm bưu điện vẫn phát triển chưa đồng đều. Chủ yếu dịch vụ này tăng trưởng mạnh ở thị trường miền núi phía Bắc và miền Trung, như Nghệ An mấy năm nay luôn huy động tiết kiệm cao nhất cả nước, kế đó là các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa... Còn tại các thành phố lớn và các tỉnh miền Nam thì dịch vụ này phát triển chậm hơn.
Đặc biệt, tại một số tỉnh nghèo như An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đắc Nông, Trà Vinh lại có số vốn huy động rất thấp. Một lãnh đạo Bưu điện tỉnh Trà Vinh cho biết, nguyên nhân là do người dân địa phương chưa quen với dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM, TP.HCM là địa bàn mà "ra ngõ gặp ngân hàng", các ngân hàng lớn đều có mặt ở khắp nơi trong thành phố với những chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút tiền gửi liên tiếp được các ngân hàng tung ra. Cạnh tranh bởi các ngân hàng, cùng với những biến động của nền kinh tế khiến cho việc thu hút vốn trong dân rất khó khăn.
Chính vì thế, trong năm 2012 mặc dù Bưu điện TP.HCM có nỗ lực rất lớn, đầu tư hệ thống tin học hóa xử lý nghiệp vụ tiết kiệm ngân hàng, thực hiện một số chương trình truyền thông thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, nhưng số tiền huy động cũng chỉ đạt 415 tỷ đồng (tăng được 75 tỷ đồng so với năm 2011) - một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường tài chính sôi động nhất cả nước.
Năm 2012, dù là thị trường lớn thứ hai của cả nước nhưng Bưu điện Hà Nội cũng chỉ huy động được khoảng 492 tỷ đồng, tăng 106 tỷ đồng so với năm 2011.
Vì thế, bà Nguyễn Thị Thu Vân nhận định, dịch vụ tiết kiệm bưu điện có tiềm năng phát triển ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi mà hệ thống ngân hàng chưa phát triển và thích hợp với những khách hàng có mức thu nhập “bình dân”.
Theo Minh Quyên
ITCNews