Hàng loạt tập đoàn lớn như Toyota, Nissan, Esprit Holdings... và các chỉ số chứng khoán châu Á đi xuống trong ngày 18/3, do những lo ngại về việc châu Âu có thể chìm sâu hơn vào khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến một trong những phiên giao dịch tệ nhất trong vòng 8 tháng qua, do những lo ngại về việc thu thuế tiền gửi gần 10% tại Síp sẽ đẩy châu Âu lún sâu hơn vào khủng hoảng. Chỉ số tại các sàn đua nhau rớt điểm, khiến vốn hóa thị trường mất khoảng 180 tỷ USD, tương đương 7 lần GDP của Síp.
Chứng khoán châu Á trải qua phiên giao dịch tệ nhất trong nhiều tháng.
Cổ phiếu của Tập đoàn Toyota mất 3,4% giá trị xuống còn 4.850 yen, Nissan Motor giảm 3,5% (còn 951 yen), Esprit Holdings (với thị trường số một là châu Âu) cũng giảm giá 2% mỗi cổ phiếu tại Hong Kong. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tụt 1,8%, còn 134,2 điểm tính đến 15h30 phút theo giờ Tokyo, mức đi xuống lớn nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Cứ 5 mã giảm thì mới có một mã tăng điểm.
Tính từ đầu năm nay, MSCI trước đó mới tăng điểm 5,6% nhờ những tín hiệu tốt từ kinh tế Mỹ, trong khi Nhật dự kiến tăng biện pháp kích thích kinh tế, còn Trung Quốc khẳng định sẽ kiểm soát giá bất động sản. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,7%, S&P/ASX 200 của Australia cũng giảm 2,1%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt 0,9% và Taiex của Đài Loan (Trung Quốc) hạ 1,5%.
Angus Gluskie, Giám đốc của công ty White Fund Management cho rằng: "Tác động tài chính từ gói hỗ trợ đối với Síp không đáng kể, trong khi thị trường đang có phản ứng tiêu cực chỉ vì người ta đang tìm một lý do để bán ra.". Trả lời Bloomberg, Giám đốc đầu tư Donald Williams của công ty quản lý tài sản Platypus nhận định khi thị trường đang có dấu hiệu đi xuống, thì tiền mặt là nơi dự trữ an toàn nhất.
Không chỉ châu Á, châu Âu cũng phải chịu những ảnh hưởng từ kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng tới 9,9% của Cộng hòa Síp. Đồng euro lại mất giá trước đôla Mỹ, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Hiện một euro tương đương 1,29 USD, rớt 1,3% so với cuối tuần trước, và bằng 121,89 yen (mất 2,2% so với ngày 5/3).
Thị trường vàng quốc tế cũng chịu ảnh hưởng sau sự cố tài chính nêu trên. Sau hơn 2 tuần thất bại trong việc chinh phục mốc 1.600 USD, biểu đồ giá kim loại quý đã phá vỡ mốc này và có lúc vươn lên mức cao nhất trong hơn hai tuần rưỡi ở 1.608 USD. Theo giới phân tích, ngưỡng kháng cự gần nhất của giá vàng là 1.611 USD, tuy nhiên giá cũng có thể rơi về dưới 1.600 USD nếu không vượt qua được ngưỡng trên.
Theo Phương Linh
vnexpress.net