NĐT không chỉ nên nhìn vào kết quả lợi nhuận của năm 2013 vì năm nay là năm bản lề của tái cơ cấu. Chúng ta phải hi sinh lợi nhuận hiện tại để hướng tới lợi nhuận lâu dài tốt hơn.
Ngày 25/2/2013, NHNN công bố Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo đó, nội dung quan trọng nhất của Dự thảo này đó là việc Thủ tướng Chính phủ có quyền “nới room” tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại đối với từng trường hợp cụ thể.
Nhiều nhà đầu tư chờ đợi việc nới room ngân hàng sẽ được áp dụng đại trà với tất cả các tổ chức tín dụng, tuy nhiên khi thông tin này được đưa ra có thể khiến nhiều bên bị “hẫng”.
Chúng tôi đã có trao đổi với ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BSC về các đánh giá liên quan đến thông tư này sẽ tác động ra sao đến TTCK trong thời gian tới.
Thưa ông, NHNN vừa ban hành dự thảo về việc nới room ngân hàng nhưng chỉ áp dụng với các TCTD yếu kém, ông đánh giá việc này sẽ tác động thế nào đến ngành ngân hàng và TTCK?
Tôi cho rằng nếu dự thảo này được NHNN thông qua sẽ là thông tin tích cực cho ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán. Nó cho thấy những công việc cụ thể của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thực thi.
Thu hút vốn ngoại với vai trò là nguồn vốn mới là cực kỳ cần thiết đối với hệ thống ngân hàng đang trong quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nó sẽ không ảnh hưởng đến tính nhạy cảm là an ninh ngân hàng như mọi người từng lo ngại.
Về vấn đề kỹ thuật, nếu mở room cho các ngân hàng yếu kém sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề an ninh tiền tệ, bởi sức ảnh hưởng của tổng nhóm các ngân hàng yếu kém là thấp. Với thị phần chiếm chưa đến 10% hệ thống ngân hàng thì chúng ta không nên quá e ngại vấn đề nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần lớn đối với các ngân hàng này so với những lợi ích mà nó mang lại.
Chúng ta mong chờ một luồng gió mới đối với các ngân hàng này khi nhà đầu tư nước ngoài nâng cao tỷ lệ sở hữu. Sẽ là những công nghệ mới, những sự quản lý mới, nó sẽ thúc đẩy và cạnh tranh lành mạnh đối với các ngân hàng còn lại. Theo tôi đó mới là những điểm thiết thực của quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Hãy nhìn những thay đổi của Techcombank, Sacombank với sự tham gia của HSBC và ANZ v.v… đó đều là những sự thay đổi có đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vì đối tượng nới room là các ngân hàng yếu kém nên một câu hỏi nhiều người hay đặt ra là chúng ta nới room như vậy có hiệu quả hay không? Hay nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài có “mặn mà” với điều này không. Thực tế cho thấy ở nhiều ngân hàng nhỏ, room ngoại vẫn chưa được lấp đầy. Vì vậy việc nới room sẽ không có ý nghĩa?
Theo tôi không hẳn là như vậy. Việc nới room sẽ vẫn có những tác động nhất định lên nhà đầu tư nước ngoài nếu room được nới là đáng kể. Tâm lý của khối ngoại thường muốn mua và tham gia các khoản đầu tư cho “ra tấm ra món”.
Với tâm lý “gắp miếng bé thà không ăn còn hơn” nên nếu Chính phủ nới room ngân hàng tại các TCTD yếu kém một mức đáng kể chẳng hạn từ 30% lên (giả sử) 50% thì có thể các tổ chức nước ngoài sẽ tham gia tích cực vì họ sẽ nhìn thấy khả năng ảnh hưởng của họ với một mức sở hữu chi phối đủ lớn .
Vấn đề ở đây là việc nới room đến đâu, và tôi cho rằng dự thảo này về mặt ngắn hạn lẫn dài hạn đều tốt cho thị trường. Nó cho thấy quá trình tái cơ cấu đã có những bước đi cụ thể và có thể nhìn thấy những tác động của nó ngay.
Vậy theo ông các thông tin trên sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng như thế nào?
Theo quan điểm của tôi hiện nay mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đang thấp hơn giá trị dài hạn của nó khá nhiều, đặc biệt là có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng có giá dưới mệnh giá. Nếu có tổ chức nước ngoài tham gia, họ thường đầu tư nhìn về dài hạn và do vậy với mức giá hiện nay của các cổ phiếu ngân hàng sẽ là tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi dám chắc rằng nếu chúng ta nới room những cổ phiếu ngân hàng trên sàn hiện nay đủ nhiều, room sẽ được lấp đầy ngay lập tức. Còn đối với các ngân hàng yếu kém hơn, sức cầu của nhà đầu tư ngoại sẽ làm cho mặt bằng của những cổ phiếu này tốt hơn một chút. T
Tuy nhiên, quan trọng là kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng và kỳ vọng vào quá trình tái cơ cấu nợ xấu của nhà đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng sẽ cao hơn, và đó sẽ làm cho giá cổ phiểu ngân hàng nhìn chung là sẽ tăng lên.
Nhưng nếu nhà đầu tư nhìn vào lợi nhuận ngân hàng năm 2013 sẽ cảm thấy ngành ngân hàng không còn hấp dẫn?
Theo tôi các NĐT không chỉ nên nhìn vào kết quả lợi nhuận của chỉ năm 2013 vì năm nay là năm bản lề của tái cơ cấu. Tái cơ cấu tức là chúng ta có thể phải hi sinh lợi nhuận hiện tại để hướng tới lợi nhuận lâu dài tốt hơn. Vì vậy nhà đầu tư đừng nhìn đó làm tín hiệu buồn.
Thực tế đầu tư chứng khoán là đầu tư cho tương lai, và thị trường sẽ có cái nhìn rất đúng đắn và chính xác về vấn đề này. Chính phủ cứ cho thấy một lộ trình tái cơ cấu rõ ràng và cụ thể, miễn làm sao nhà đầu tư nhìn thấy có tương lai, thì tôi cho rằng kết quả lợi nhuận năm 2013 sẽ không quá quan trọng với nhà đầu tư đâu
Ông đánh giá thị trường chứng khoán sắp tới ra sao, khi Vn-Index đã tăng 25% từ đầu năm?
Tôi cho rằng thị trường chứng khoán giai đoạn này nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay hàng loạt chính sách được Bộ Tài chính ban hành như nới margin, giảm phí lưu ký, mở biên độ thị trường…khiến thanh khoản của TTCK từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao. Ngoài ra việc tăng này cũng có phần ở năm 2012 TTCK Việt nam đang ở mức thấp.
Tôi cho rằng điểm số của thị trường lúc này không quan trọng, thị trường tốt hay không bây giờ thì tính thanh khoản quan trọng hơn. Thị trường có tăng có giảm là chuyện bình thường, nhưng nếu thanh khoản không giảm đi mà tiếp tục được cải thiện thì đó mới là tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư, vì dù gì thị trường chỉ thể hiện vai trò của nó tốt khi người ta có thể dễ dàng tham gia để mua bán, tức là nó phải có thanh khoản.
Theo tôi sự đi xuống của TTCK nếu có sẽ không phải là đi xuống điểm số mà là đi xuống về thanh khoản.
Trong thời gian tới, nếu mặt bằng lãi suất hạ (lãi suất cho vay) thì tôi tin rằng TTCK có thể sẽ giữ được mức thanh khoản này trong năm 2013. Các chính sách quyết liệt của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2013 sẽ tiếp tục là động lực để TTCK duy trì được mức tích cực.
Xin cảm ơn ông.
Theo Phương Mai
CafeF