Trong khủng hoảng, vẫn luôn xuất hiện những cơ hội. Doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội, có chiến lược hoạt động đúng đắn, bài bản sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
Hệ quả của khủng hoảng ngân hàng
Đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, khủng hoảng có thể xảy ra theo chu kỳ hay bất thường, gây thiệt hại lớn cho một ngân hàng, thậm chí đưa đến phá sản hay làm tê liệt cả hệ thống. Cụ thể, khách hàng có thể rút tiền hàng loạt ra khỏi một ngân hàng vì những thông tin xấu, làm ngân hàng rơi vào trình trạng mất khả năng thanh toán, hay ngân hàng sụp đổ vì khách hàng vỡ nợ hàng loạt do thị trường bất động sản đóng băng hay thị trường chứng khoán đổ vỡ. Cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống xảy ra tại Mỹ năm 2008 đã đưa không ít định chế tài chính hàng đầu thế giới như Merill Lynch hay Lehman Brothers đến sự sụp đổ. Hay nửa thế kỷ trước, hệ thống ngân hàng tại Ấn Độ đã rơi vào sự phá sản toàn diện và bị quốc hữu hóa.
Với tính chất nhạy cảm của hoạt động ngân hàng, khi xảy ra khủng hoảng, những hiện tượng sau đây thường xảy ra: Thứ nhất, nhiều tài sản tốt trước đó sau khủng hoảng trở thành tài sản độc hại, là cội rễ của việc mất tài sản, mất vốn. Chỉ cần 15 - 20% các khoản cho vay và đầu tư bị tiêu hủy là một ngân hàng có thể rơi vào tình trạng phá sản kỹ thuật (vốn chủ sở hữu bị triệt tiêu). Thứ hai, thanh khoản của ngân hàng bị ảnh hưởng mạnh, khi nguồn vốn huy động từ khách hàng bị ảnh hưởng, các ngân hàng bạn sẽ ngưng cho vay và cuối cùng
là nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của ngân hàng, tăng tốc cuộc khủng hoảng.
Việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng mới chỉ đi được những bước đầu tiên
Trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến phá sản của một ngân hàng thì sự mất thanh khoản có thể gây ra sự sụp đổ nhanh nhất. Thứ ba, điều chực chờ ngân hàng khi khủng hoảng xảy đến là các cơ quan chức năng có thể đóng cửa ngân hàng bất cứ lúc nào, để chặn đứng khủng hoảng và sự “mất máu” cho hệ thống ngân hàng.
Để có thể đối phó với khủng hoảng, các ngân hàng nên xây dựng sẵn kế hoạch chống khủng hoảng trong chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Trong kế hoạch này, ngân hàng nên định nghĩa rõ các tình huống và mức độ khủng hoảng, các nguyên nhân có thể dẫn đến khủng hoảng, tiên liệu những hậu quả của khủng hoảng, các giới hạn thiệt hại có thể chấp nhận đựợc, dự trù những biện pháp và kế hoạch để đối phó và biện pháp và kế hoạch để khắc phục hậu quả nếu khủng hoảng xảy ra. Những kế hoạch này bao gồm các kế hoạch tài chính liên quan đến vốn, tỷ lệ an toàn, các chỉ số thanh khoản, nhưng cũng bao gồm các kế hoạch phi tài chính như nhân lực, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và pháp lý.
Các ngân hàng cũng cần tự đưa mình vào các điều kiện ngặt nghèo để kiểm tra sức chịu đựng và đến khi nào thì mất khả năng thanh toán, mất vốn và sụp đổ. Thông thường, trong cuộc kiểm tra này, các ngân hàng đặt ra những kịch bản khác nhau, ví dụ như mất vốn huy động từ 20 - 50% hay đưa ra giả định các khoản cho vay mất từ 10 - 40% trong một khoản thời gian nhất định để kiểm tra sức chịu đựng dựa vào những chỉ số, chẳng hạn chỉ số thanh khoản, tỷ lệ lợi nhuận, lỗ, tỷ lệ an toàn vốn.
Thông qua các bài kiểm tra như vậy, ngân hàng biết sức chịu đựng của mình đến đâu, để lên phương án, biện pháp xử lý khủng hoảng nếu xảy ra trong thực tế.
Cơ hội trong khủng hoảng
Khủng hoảng xảy ra trên thực tế chắc chắn là điều rất tồi tệ, bởi có những ngân hàng không chịu được khủng hoảng và đi đến phá sản, vỡ nợ. Nhưng với những ngân hàng vượt qua khó khăn và phục hồi thì khủng hoảng lại là cơ hội để họ kiểm tra thực tế khả năng chịu đựng khó khăn, cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể vượt qua khủng hoảng tiếp theo.
Thông thường, trong thời gian khủng hoảng, thị trường bị dao động, sàng lọc rất nhiều, các ngân hàng yếu kém bị phá sản hay sáp nhập, nhưng các ngân hàng còn tồn tại sẽ lập lại trật tự và thừa hưởng sự ổn định sau đó. Một môi trường lành mạnh hơn sau sàng lọc khiến các ngân hàng có điều kiện phục hồi tốt hơn trong tương lai. Điều này đã được minh chứng qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tại Mỹ, khi mà nhiều ngân hàng đã phục hồi sau khủng hoảng và đạt được những kết quả kinh doanh rất tốt 3 - 4 năm sau đó. Một điều đặc biệt nữa là các ngân hàng còn đứng vững được có thêm những khách hàng mới, vốn là khách hàng của những ngân hàng “sập tiệm”, mở rộng được thị phần.
Khủng hoảng cũng là thời gian mà Ngân hàng Trung ương rút ra nhiều bài học trong quản lý hệ thống. Ở Mỹ, trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể đã chủ quan, lơi lỏng trong việc quản lý hệ thống ngân hàng, không quan tâm đúng mức đến việc tăng trưởng nóng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng như các sản phẩm tín dụng phái sinh. Sau khi khủng hoảng, FED đã quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống ngân hàng.
Chiến lược kinh doanh trong khủng hoảng
Bên cạnh kế hoạch chống khủng hoảng, thì chiến lược quản trị rủi ro cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngân hàng trước và trong khủng hoảng. Chiến lược này cần được đề ra trong chiến lược kinh doanh dài hạn.
Tại Mỹ, năm 2007, trước khủng hoảng tài chính, các ngân hàng cho vay bừa bãi trong lĩnh vực bất động sản, nên khi thị trường bất động sản bất ngờ đóng băng và lao dốc, nhiều ngân hàng đã sụp đổ. Nhưng ngay sau đó, các ngân hàng đã điều chỉnh chiến lược, danh mục đầu tư, tín dụng, thị phần, khách hàng tiêu biểu; trong đó, quản lý rủi ro trở thành vấn đề trọng tâm. Hệ thống ngân hàng quay trở về một nguyên tắc cơ bản là loại hình kinh doanh rủi ro, dưới những điều kiện kinh doanh đầy biến động và bất trắc. Ủy ban Basel đã ban hành những nguyên tắc về quản lý rủi ro của Basel I, II và III, áp dụng cho các ngân hàng thương mại trên thế giới. OECD cũng ban hành những nguyên tắc về quản lý rủi ro trong bộ nguyên tắc về quản trị công ty. Một chiến lược quản lý rủi ro phải dựa vào những nguyên tắc quản lý rủi ro do Ủy ban Basel và OECD đề ra.
Ở Việt Nam, vấn đề quản lý rủi ro đều đã được các ngân hàng quan tâm và đưa vào trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, quản lý rủi ro chưa được thực hiện đúng mức, bằng chứng là nợ xấu đã tăng cao trong 2 năm trở lại đây. Ngay trong thời điểm khó khăn hiện nay, bất động sản đang lao dốc, số DN phá sản ngưng hoạt động ngày càng cao và tình hình kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện đáng kể, thì tại nhiều ngân hàng, các cơ chế phòng thủ chưa được thiết lập chặt chẽ, các hạn mức chấp nhận rủi ro và các khâu thẩm định rủi ro không chặt chẽ, nhân sự cho quản lý rủi ro còn thiếu. Đặc biệt, tại nhiều ngân hàng, HĐQT còn lơ là trong việc giám sát ban điều hành và dễ dàng trong việc cho vay với các công ty liên quan. Sở hữu chéo đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống.
Một điều đáng quan tâm là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng hiện rất thấp so với tăng trưởng vốn huy động. Dường như các ngân hàng đã chùn tay cho vay vì nợ xấu tăng cao? Nhưng đây cũng có thể là phản ứng của các ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng nóng, chứ không có nghĩa là việc quản trị rủi ro đã được cải thiện đáng kể. Thay vì “làm nhưng không sợ”, bây giờ các ngân hàng đang “vì sợ mà không làm”. Nếu đúng như vậy, thì các ngân hàng này cần phải thay đổi tư duy trong hoạt động tín dụng, để làm mà không sợ qua cách quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Vấn đề cốt lõi để vượt qua khủng hoảng vẫn là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện vẫn dừng ở mức độ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khác, mà chưa phải là sự tái tổ chức của ngân hàng yếu kém và tái cơ cấu của cả hệ thống tài chính để có một hệ thống tài chính thực sự lành mạnh. Trong đó, chỉ duy trì số lượng ngân hàng vừa đủ, có tính cạnh tranh cao, thanh khoản tốt. Để làm được điều này, cần một thời gian đủ dài, có thể mất đến 5 -7 năm, nhưng không được phép muộn hơn năm 2020.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng
(ĐTCK)