Sự trở lại của những phiên giao dịch có giá trị 2.000 tỷ đồng cho thấy, dòng tiền lớn đang chảy mạnh vào chứng khoán.
Sự trở lại của những phiên giao dịch 2.000 tỷ đồng
Ngày
27/5, TTCK Việt Nam đã có một phiên làm nức lòng nhà đầu tư khi
VN-Index chốt phiên ở mức 512,4 điểm, tăng 12,17 điểm (+2,43%). Trong
phiên 28/5, tuy đà tăng đã bị hãm lại, nhưng cũng đủ giúp VN-Index vượt
qua mốc 516 điểm khi đứng ở mức 516,33 điểm. Như vậy, sau vài lần trồi
sụt, VN-Index đã tăng mạnh để bứt xa khỏi mốc 500 điểm. Tuy nhiên, điều
khiến nhà đầu tư hân hoan là dòng tiền đã đổ mạnh vào TTCK. Trong phiên
27/5, tổng giá trị giao dịch của 2 sàn hơn 2.028 tỷ đồng (HOSE đạt hơn
1.450 tỷ đồng và HNX hơn 577 tỷ đồng). Trong phiên 28/5, tổng giá trị
giao dịch trên 2 sàn cũng đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4
tháng, thị trường mới lại chứng kiến phiên giao dịch có giá trị 2.000 tỷ
đồng.
Nếu
nhìn bao quát hơn về diễn biến TTCK trong tháng 5, nhà đầu tư có thể
thấy được mức độ cải thiện về thanh khoản so với các tháng trước. Cụ
thể, theo thống kê của HOSE, tổng giá trị giao dịch tính đến ngày 28/5 ở
sàn HOSE đạt gần 20.100 tỷ đồng, chỉ thua giao dịch trong tháng 1 (hơn
25.000 tỷ đồng).
Điều
đáng nói, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài chỉ góp một phần nhỏ trong
toàn bộ thanh khoản của thị trường. Trong tháng 5 (tính tới ngày 28/5),
khối ngoại mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,4% tổng giá trị
giao dịch ở sàn HOSE. Vì thế, các chuyên gia khẳng định, nguồn vốn đổ
vào TTCK hiện nay chủ yếu là dòng tiền trong nước.
Ông
Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng
(MBKE) đánh giá, dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian qua là từ lớp
nhà đầu tư nội, họ đã trở lại thị trường từ cuối năm ngoái và âm thầm
rót vốn vào chứng khoán.
Nếu
nhìn diễn biến thị trường trong những tháng đầu năm 2013, TTCK được bổ
sung thêm vốn nhiều hơn là rút ra. Bằng chứng, trong các tháng 2, 3 và 4
được cho là bình lặng, nhưng giá trị giao dịch trên HOSE vẫn khoảng
1.200 - 1.700 tỷ đồng/phiên, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2012. Đây là
tín hiệu cho thấy, thị trường vẫn ổn định và cả trong giai đoạn thị
trường điều chỉnh, nhà đầu tư không hề tháo chạy.
Một
số chuyên gia phân tích cho biết, dòng tiền đổ vào chứng khoán thời
gian qua được chuyển qua từ các kênh khác như vàng, ngoại tệ, bất động
sản và tiết kiệm do từ cuối năm ngoái, các kênh đầu tư này tỏ ra kém
hiệu quả hơn chứng khoán.
Theo
ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, chứng khoán đang trở thành
một lựa chọn hấp dẫn. Dù đầu tư theo chỉ số, hay đầu tư giá trị, cơ hội
cho nhà đầu tư vẫn khá cao, bởi giá nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các
blue-chip đã giảm giá mạnh, dưới giá trị sổ sách. Chưa kể, mức cổ tức mà
các công ty chi trả cũng hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết
kiệm.
Nhiều triển vọng
VN-Index
đã vượt qua mốc tâm lý quan trọng 500 điểm, đồng thời thanh khoản thị
trường cũng tăng lên, duy trì ở mức 1.300 - 1.600 tỷ đồng/phiên trong
nhiều phiên gần đây là cơ sở để nhà đầu tư mạnh tay giải ngân. Tuy
nhiên, theo các chuyên gia, dòng tiền này vẫn còn dè dặt, bởi nhà đầu tư
vẫn trong tâm lý thận trọng, chờ đợi tác động của các chính sách và
chuyển biến kinh tế vĩ mô.
Ông
Huỳnh Anh Tuấn tin tưởng, khi các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ đi
vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, giúp kinh tế vĩ mô cải thiện, thì
dòng tiền đổ vào TTCK sẽ tăng mạnh hơn.
Ngoài
ra, sắp tới đây, khi các khoản tiết kiệm đáo hạn, dòng tiền vào TTCK
được kỳ vọng sẽ tăng lên, tạo động lực cho các chỉ số bứt phá. Theo ước
tính, chỉ cần khoảng 10% tiền từ gửi tiết kiệm ở 4 ngân hàng lớn là
Vietcombank, Eximbank, Vietinbank, Sacombank đổ vào chứng khoán thì sơ
bộ, thị trường sẽ có thêm khoảng 86.110 tỷ đồng, một con số đủ để gây
bùng nổ.
Theo ĐTCK