Theo các chuyên gia, các quyết giảm lãi suất, tăng tỷ giá là bước đi đúng hướng của cơ quan điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những giải pháp khác cần được thực hiện quyết liệt hơn.
Cuối tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một loạt những thay đổi quan trọng khi hạ trần lãi suất huy động về 7%, mạnh tay dỡ bỏ trần với tiền gửi từ 6 tháng trở lên và điều chỉnh tăng 1% tỷ giá.
Các chuyên gia HSBC nhìn nhận động thái này thể hiện nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước muốn nới lỏng các điều kiện tín dụng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia "tầm ảnh hưởng của việc này sẽ không đáng kể".
Động thái giảm lãi suất được các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của nhà điều hành: Ảnh: PV
Theo định chế tài chính này, lạm phát lõi của Việt Nam vẫn tăng, khiến cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước mạnh tay nới lỏng tín dụng bị hạn chế phần nào. “Việc giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tạo ra một cú hích cho tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ là một cú hích nhỏ. Có ý nghĩa hơn cả là những cải cách nhằm giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nâng cao mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh”, HSBC đánh giá.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, người từng đảm nhiệm vị trí Thống đốc đánh giá 3 động thái của Ngân hàng Nhà nước trong chiều 27/6 là những bước đi tích cực và đạt được cả 2 mục đích. Ông Kiêm nhìn nhận: "Động thái này không chỉ thực hiện được Nghị quyết của Chính phủ mà còn thể hiện cam kết của Thống đốc trước Quốc hội, đó là giảm lãi suất và điều hành linh hoạt tỷ giá. Cũng theo ông Kiêm, hiện nay đã hết dư địa để có thể giảm lãi suất thêm nữa.
Cũng không ít chuyên gia nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà nước chọn thời điểm này để công bố cùng một lúc 3 thay đổi quan trọng trên là khéo léo và phù hợp. Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - Nguyễn Đức Trung cho rằng đây là thời điểm các nhà băng đã hoàn tất chỉ tiêu quy hoạch về huy động nửa đầu năm.
Ngoài những lý do như có cơ sở khi lạm phát giảm, công cụ lãi suất vẫn còn hiệu quả, theo ông Trung, đây là thời điểm hạ lãi suất tốt, thỏa mãn được cả hai phía ngân hàng và người gửi tiền. "Về cơ bản các ngân hàng lúc này đang khá dư tiền và không bị áp lực huy động nữa. Do đó, công bố ở thời điểm này không lo ngại có sự phản ứng chính sách cũng như việc các ngân hàng phải "đi đêm" để huy động vốn như trước", ông Trung phân tích.
Về mặt người gửi tiền, theo vị chuyên gia này, khi Ngân hàng Nhà nước đồng thời giảm lãi suất đôla cũng đã giúp giảm tâm lý găm ngoại tệ và góp phần củng cố niềm tin vào VND.
Riêng động thái gỡ trần lãi suất cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho đây là một trong những bước đi của Ngân hàng Nhà nước trong tiến trình rút lui khỏi các biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, cá nhân ông vẫn nhìn nhận lộ trình này vẫn "làm hơi chậm" bởi các biện pháp hành chính luôn gây nên sự méo mó, cả trong phân bổ nguồn lực lẫn vấn đề về đạo đức kinh doanh. Để rút lui hoàn toàn khỏi biện pháp hành chính, theo ông cần hội tụ đủ các điều kiện về ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có lạm phát thấp cũng như bản thân nội tại hệ thống ngân hàng phải lành mạnh hơn.
Về phía nhà băng, Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cũng rất tán đồng chính sách này khi cho rằng, sáu tháng đầu năm, lạm phát khá thấp, chỉ hơn 2% nên giảm lãi suất là điều tất yếu. Song song đó, để tăng giá trị tiền đồng, nhà quản lý cũng đồng thời giảm trần lãi suất USD được coi là động thái đồng bộ. Còn việc tỷ giá tăng cũng là nằm trong lộ trình được vạch ra ngay từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Thanh Lan- Lệ Chi
Vnexpress