Các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, việc nới room sẽ hút được lượng vốn thực từ nước ngoài và lĩnh vực ngân hàng chắc chắn sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg tại New York mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang xem xét gia tăng sở hữu của vốn ngoại tại các ngân hàng và cả các doanh nghiệp viễn thông. Với ngân hàng, Thủ tướng cho biết có thể cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tăng sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% trong “tương lai gần”.
Các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, việc nới room giống như mở toang một cánh cửa để hút vốn ngoại và đó là một thông tin hết sức tích cực. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang bị hạn chế tổng mức sở hữu không quá 30% và một nhà đầu tư sở hữu không quá 20% được cho là chưa phát huy hết khả năng của các đối tác chiến lược.
Ông Phạm Hữu Phú – chủ tịch Sacombank:
Một dòng vốn thực sẽ đổ vào các ngân hàng, giúp hệ thống phát triển tốt hơn
Hiện nay, chúng ta đã cho các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tới 100% vốn tại Việt Nam. Việc mở room lên đến 49% là một tín hiệu tốt và tôi cho rằng chúng ta nên thực hiện sớm. Khi ấy, một dòng tiền thực từ nước ngoài vào đầu tư cho các ngân hàng, lĩnh vực ngân hàng sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Thậm chí, quan điểm riêng của tôi cho rằng, 51% sở hữu nước ngoài cũng rất tốt, chứ không chỉ là 49%. Tỷ lệ càng cao thì càng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư chiến lược càng lớn.
Đây là một luật chơi hết sức bình thường của nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã ký cam kết với quốc tế và cần thiết phải có lộ trình. Tôi chỉ sợ sẽ lâu, còn nếu nhanh thì rất tốt.
Từ trước tới nay, hạn chế ở mức 30%, các đối tác nước ngoài chỉ tham gia được 15% - 20%, không phát huy được hết khả năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như ở Eximbank, SMFG tham gia 15%, ở ACB đối tác Standard Chartered đang nắm 20% đều chưa phát huy được nhiều. Nếu được nới room thì các định chế tài chính sẽ rất hoan nghênh.
Ông Vũ Văn Tiền – chủ tịch ABBank:
Hệ thống sẽ cải thiện tình hình tài chính
Tôi cho rằng khả năng nới room lên đến 49% là khả thi vì Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thị trường. Hơn nữa, đây cũng là một kênh huy động vốn nước ngoài hiệu quả. Ngân hàng sẽ có cơ hội tăng nguồn vốn, tăng được quy mô hoạt động, nâng cao năng lực quản trị và điều hành tốt hơn.
Ngoài ra, việc nới room cho nhà đầu tư ngoại sẽ giúp cải thiện được tình hình tài chính của hệ thống hiện nay.
Ở ABBank, nhà đầu tư nước ngoài (hiện là Maybank và IFC) đã hỗ trợ rất nhiều, giúp tư vấn về tài chính cũng như hỗ trợ và chia sẻ về kinh nghiệm quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, quan trọng là chúng ta tìm được đối tác chiến lược tốt thì sẽ phát triển bền vững, hiệu quả.
Ông Trịnh Văn Tuấn – chủ tịch OCB:
Quan trọng nhất là thời điểm, thời gian triển khai
Tôi cho rằng đây là tin tốt. Ngân hàng nước ngoài đã từng có 100% vốn tại Việt Nam nhưng ở ngân hàng nội thì hạn chế là 30%. Nếu nới room được cho khối ngoại tại các ngân hàng nội thì rõ ràng là tích cực, điều quan trọng nhất là thời điểm thực hiện và thời gian triển khai như thế nào.
Về phương diện kinh doanh thị trường thì việc này sẽ mở ra cơ hội lớn, tuy nhiên mọi thứ vẫn tùy thuộc vào cơ quan quản lý, vào Nhà nước.
Nếu có một đối tác nào đó muốn tăng sở hữu tại ngân hàng chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ cân nhắc tùy thuộc đối tác, tùy vào nhu cầu của mình thời điểm đó.
Tình hình sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay
Theo Trí Thức Trẻ