Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) vừa công bố tuần qua cho thấy nền kinh tế vẫn khá khó khăn trong năm nay.
Kinh tế khó khăn được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường chưa thể khởi sắc. Cũng có ý kiến cho rằng việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ đang khiến nhà đầu tư (NĐT) trở nên thận trọng và do vậy chỉ cần sự xuất hiện của vài thông tin tốt thì tình hình sẽ khác hẳn.
Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) vừa công bố tuần qua cho thấy nền kinh tế vẫn khá khó khăn trong năm nay. Theo báo cáo này, rủi ro lớn nhất là lạm phát vẫn tiềm ẩn và do có liên quan đến một số chính sách (lương tối thiểu tăng kể từ ngày 1/1/2013, tăng giá điện…) nên chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 khoảng 8% sẽ khó.
Kế đến là vấn đề nợ xấu. Theo UBKTQH, giải quyết nợ xấu cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.
Cụ thể, ngành thủy sản cần có cơ chế khuyến khích phù hợp có thể giúp cho ngành thực hiện hiệu quả quá trình sàng lọc và tái cơ cấu (cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn, tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn, mua lại nợ cho doanh nghiệp kết hợp với việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành); lĩnh vực bất động sản thì cần có những thông điệp rõ ràng hơn; đối với lĩnh vực năng lượng, cần tái cơ cấu mạnh Tập đoàn Điện lực và xóa bỏ đầu tư ngoài ngành...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán (CTCK) Bản Việt, cho dù giá trị sản xuất đã tăng nhẹ trở lại nhưng nhiều chỉ báo khác như tiêu dùng vẫn còn yếu; các ngân hàng dư vốn nhưng lại không cho vay ra được, còn các doanh nghiệp chưa muốn vay vì có ý chờ lãi suất giảm; lạm phát chi phí đẩy vẫn là một nguy cơ thực tế do nhiều tỉnh, thành vẫn chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế… cho thấy kinh tế vẫn đang khá khó khăn.
Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong tháng 2, cùng với mức tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sau khi loại trừ yếu tố lạm phát chỉ tăng 3,6%, mức thấp nhất trong các thời điểm Tết Nguyên đán trước đây, đang phản ánh sự suy kiệt của sức cầu nội địa. Tình trạng này được dự đoán sẽ khó được cải thiện trong tháng 3.
Kinh tế khó khăn cộng với việc chưa xuất hiện thông tin hỗ trợ đã khiến giới đầu tư trở nên thận trọng. Bên cạnh đó, thay cho xu hướng tích cực mua vào trước đây, NĐT nước ngoài bắt đầu hạn chế giải ngân và đang có xu hướng chốt lời danh mục, ảnh hưởng đến biến động giá của nhóm bluechips và gián tiếp tác động tiêu cực lên điểm số thị trường.
Như vậy, với các rủi ro nội tại và thiếu yếu tố vĩ mô nâng đỡ, thị trường chứng khoán được nhìn nhận là vẫn chưa đủ hấp dẫn các dòng tiền đầu tư sau giai đoạn tăng mạnh và diễn biến thị trường thời gian gần đây là minh chứng rõ nhất. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý NĐT hưng phấn nhờ hàng loạt thông tin công bố liên quan đến các định hướng giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chủ chốt và sự tham gia của NĐT nước ngoài, các chỉ số thị trường tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 1 năm. Sau kỳ nghỉ Tết dài, một số tin đồn xuất hiện đã tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý bất an bao trùm khiến thị trường trải qua 2 tuần cuối tháng 2 biến động mạnh, VN - Index bị 2 phiên lao dốc mạnh và để mất gần 37 điểm. Các tuần đầu của tháng 3, thị trường tiếp tục đi xuống và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ khởi sắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của CTCK Rồng Việt, yếu tố duy nhất được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng hiện tại của thị trường là Đề án thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) sẽ được trình lên Bộ Chính trị trong tháng 3/2013. Khi có thêm thông tin rõ ràng hơn liên quan việc xử lý nợ xấu cũng như giải cứu thị trường bất động sản, thì chính những thông tin này sẽ gián tiếp tạo thêm kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, những biến động gần đây trên thị trường vàng và ngoại tệ cũng có thể sẽ là lực hấp dẫn mới, chia sẻ dòng tiền đầu tư với kênh chứng khoán.
Theo Trí Tri
Thời báo ngân hàng