"Trong quá trình tái cơ cấu sẽ phải giữ các thương hiệu mạnh như Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có giá trị hàng tỷ USD và cũng để giữ thế chân kiềng cho viễn thông Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Ngày 8/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Bộ T&TT Lê Nam Thắng cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ đã tới thăm và làm việc với MobiFone.
MobiFone muốn hoạt động theo mô hình độc lập
Ngày 8/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng
Bộ T&TT Lê Nam Thắng cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ
đã tới thăm và làm việc với MobiFone.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MobiFone cho
biết, MobiFone đã phải “chia lửa” với VNPT trong thời điểm khó khăn bằng
hình thức điều chuyển nguồn lợi nhuận lớn cho công ty mẹ. Tuy nhiên,
ông Minh cho rằng, suốt thời gian qua, mạng MobiFone chỉ được đầu tư
bằng tiền khấu hao nên mạng lưới sẽ bị hạn chế hơn so với doanh nghiệp
khác. Vì vậy, để MobiFone phát triển mạnh hơn thì phải tăng vốn điều lệ,
tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng, tăng quy mô vị thế để trở
thành thương hiệu mạnh trên thị trường viễn thông.
Ông Lê Ngọc Minh cũng đề nghị, trong đề án tái cấu trúc không giải
thể MobiFone và để doanh nghiệp này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần
hoá công ty theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc tái cấu trúc của VNPT
và MobiFone phải đảm bảo các yếu tố thị trường, hiệu quả giữa các đơn vị
trong Tập đoàn. Các lý luận kinh tế đã chỉ ra rằng khi doanh nghiệp
phát triển đến quy mô lớn thì cần tách ra hoạt động độc lập, duy trì mô
hình hạch toán phụ thuộc sẽ không phù hợp. Vì vậy, với quy mô hiện nay
thì MobiFone muốn được độc lập để hạch toán riêng, minh bạch; đồng thời
nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp.
Ông Minh khẳng định, trong chiến lược sắp tới MobiFone đặt mục tiêu
trở thành đối tác mạnh và phải tập trung mở rộng đầu tư ra quốc tế nhằm
mở rộng thị trường và tạo động lực phát triển cho chính mình.
MobiFone và VinaPhone là thương hiệu quốc gia mạnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc
Son đánh giá cao tính chuyện nghiệp của MobiFone qua thời gian hợp tác
với đối tác Comvik (Thụy Điển) vẫn giữ được bộ gen “Tây” nhưng được Việt
hoá. MobiFone hiện đứng trong Top 10 thương hiệu lớn của Việt
Nam. Những năm qua, MobiFone liên tục có doanh thu và lợi nhuận tăng
tốt, đặc biệt là đạt năng suất cao nhất trong các doanh nghiệp viễn
thông và cũng là doanh nghiệp được xếp hạng đóng thuế cao nhất cho nhà
nước.
Bộ trưởng cũng đồng tình, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để
điều hành doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một
thành viên. Tất cả mối quan hệ của các công ty trong VNPT phải được xây
dựng trên cơ sở kinh tế thị trường. Bộ TT&TT ủng hộ doanh nghiệp
thực hiện đúng quy luật thị trường, tôn trọng pháp luật, hợp tác với
nhau bằng hợp đồng kinh tế. Bộ trưởng cho rằng MobiFone cần được sử dụng
lợi nhuận để đầu tư thích đáng cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao
khả năng cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, trên tinh thần Nghị định 99
của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu,
sau đó Bộ trình lên Chính phủ. Cụ thể, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT tái cơ
cấu trên nguyên tắc phải bám vào Luật Viễn thông, chống sở hữu chéo và
phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo mỗi
thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải duy trì ít nhất 3 doanh
nghiệp có thị phần tương đồng và Việt Nam phải có 3 - 4 tập đoàn viễn
thông lớn. “Trong quá trình tái cơ cấu phải giữ các thương hiệu mạnh như
Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có
giá trị hàng tỷ USD. Như vậy, tái cơ cấu sẽ tạo ra thế chân kiềng mạnh
của thị trường viễn thông Việt Nam gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel. Mục
tiêu tái cơ cấu là thúc đẩy VNPT tập trung vào kinh doanh ngành nghề
chính và tạo động lực cho tập đoàn này phát triển mạnh hơn”, Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son nói.
Bộ trưởng cho biết, tái cơ cấu VNPT gồm 3 nội dung: mục tiêu, nội
dung và lộ trình thực hiện. Việc này được làm thận trọng, dân chủ công
khai nhưng không chậm trễ. Bộ sẽ lấy ý kiến các đơn vị của VNPT về đề án
tái cơ cấu. Đây là sản phẩm trí tuệ tập thể của cán bộ, công nhân viên
chức VNPT nên mỗi cán bộ, mỗi doanh nghiệp phải ý thức trách nhiệm đối
với việc xây dựng đề án.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận
định, thời gian qua MobiFone đã duy trì mô hình kinh doanh có độc lập tự
chủ tương đối hơn so với các đơn vị khác của VNPT nên phản ứng nhanh
nhạy trong cạnh tranh và đạt được thành công trên thị trường viễn
thông. Nhưng trong mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng của MobiFone có vẻ
chững lại. Vì vậy, MobiFone cần có chiến lược giải pháp kinh doanh mở
rộng vùng phủ sóng, tạo ra sức mạnh cạnh tranh với các doanh nghiệp
khác. Nếu không tập trung đầu tư vào hạ tầng, MobiFone sẽ tiếp tục khó
khăn.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ
TT&TT), MobiFone là mạng lớn nhất và chuyên nghiệp trong việc tổ
chức khai thác mạng, có chiến lược rõ ràng bài bản và nhiều sáng tạo.
Kết quả thực tế cho thấy MobiFone là mạng có năng lực cạnh tranh và hiệu
quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, nếu không được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt,
MobiFone sẽ bị thụt lùi so với các mạng di động khác, vì vậy tăng
trưởng đầu tư cho MobiFone là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn sắp tới.
Đề cập đến vấn đề sử dụng chung cơ sở hạ tầng của VinaPhone và
MobiFone, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng: “Trong vấn đề quản trị doanh
nghiệp, đâu đó hai doanh nghiệp sử dụng hạ tầng bởi mệnh lệnh hành
chính chứ chưa theo cơ chế thị trường. Nếu VinaPhone và MobiFone roaming
với nhau không theo nguyên tắc thị trường thì Bộ sẽ không ủng hộ. Mối
quan hệ của các đơn vị trong VNPT phải dần tiếp cận với cơ chế thị
trường tránh áp đặt mệnh lệnh hành chính”. Theo Thứ trưởng, MobiFone sẽ
chỉ mở rộng đầu tư ra nước ngoài khi là tập đoàn mạnh trong nước, được
hạch toán độc lập. Nếu VNPT hạch toán phụ thuộc thì việc đầu tư ra nước
ngoài sẽ không phải là MobiFone mà chính là VNPT đầu tư.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá, thị trường viễn
thông Việt Nam năm 2012 rất khắc nghiệt, có nhiều doanh nghiệp phải ra
đi hoặc hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, viễn thông vẫn là ngành ngẩng
cao đầu thắng trên sân nhà và liên tục giảm giá dịch vụ cho người
dùng. Những năm qua, ngành viễn thông đã đưa điện thoại di động từ vật
xa xỉ trở thành bình dân, mang tri thức thông tin đến với bà con vùng
sâu, vùng xa và nối liền khoảng cách biển đảo với đất liền. Viễn thông
cũng là ngành đi đầu trong việc thực hiện tốt nhất Cuộc vận động người
Việt dùng hàngViệt. Và MobiFone đã góp phần quan trọng làm nên kết quả
đó trong suốt 20 năm qua.
Theo Thái Khang
ICTNews