Ngành viễn thông Myanmar được mở cửa, điện thoại di động ngày càng rẻ hơn, nhiều “đại gia” công nghệ đã sẵn sàng “đánh chiếm” thị trường di động tiềm năng bậc nhất thế giới này.
Một cửa hàng Samsung tại Yangon, Myanmar. Ảnh: PCW
Tại Yangon, Myanmar, những tấm biển khổng lồ của
Samsung được treo trước hàng tá các cửa hàng bán điện thoại trên những
đường phố đông đúc để quảng cáo smartphone mới nhất. Chỉ vài năm trước
đó, cảnh tượng này không thể nhìn thấy nơi đây, Soe Nyi Nyi, một doanh
nhân địa phương cho biết.
“Đã có rất nhiều thay đổi”, ông nói, “bây giờ đã có nhiều cửa hàng điện thoại rồi”.
Chỉ một năm trước, mua thẻ SIM tại Myanmar tốn tới
250 USD. Đó còn được xem là mức giá “rẻ” vì trước đó, mức giá là từ
2.000 USD trở lên và mạng viễn thông bị chính phủ quân đội khi đó kiểm
soát ngặt nghèo. Mức giá “trên trời” khiến điện thoại di động vượt khỏi
tầm với của nhiều người. Hiện tại, mới chỉ có 5% dân số Myanmar được sử
dụng di động.
Tuy nhiên, tất cả những điều này bắt đầu thay đổi
khi Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ. Lần đầu tiên, điện thoại di động
trở nên rẻ hơn dưới cải cách của chính quyền mới. Có thể rất nhanh
chóng, chúng sẽ tràn ngập thị trường, mang Internet tới hàng triệu người
và nâng cao chất lượng cuộc sống cho một trong những quốc gia nghèo
nhất châu Á.
Khi hỏi mọi người tại Yangon, một thành phố 6 triệu
dân, nhiều người bày tỏ sự lạc quan khi đất nước đang đi đúng hướng kể
từ khi có chính phủ mới năm 2011. Theo Chan Mya, một tài xế taxi, giờ
đây họ đã có quyền tự do ngôn luận, đã có thêm nhiều tờ báo mới.
Dù vậy, xét về mặt công nghệ, Myanmar vẫn là một
trong những nước có tỉ lệ kết nối thấp nhất thế giới. Tỉ lệ sử dụng
Internet chỉ vào khoảng 1% và chỉ có số ít biết dùng máy tính. Những thứ
cơ bản như điện còn thiếu, mọi người thường có thu nhập thấp, vào
khoảng 80 USD tới 150 USD/tháng.
Nay Phone Latt – một blogger hiếm hoi tại Myanmar
từng bị bỏ tù 4 năm vì tuyên truyền chống đối chính phủ - sau khi được
tha bổng đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Tổ chức phát triển
CNTT Myanmar với mục đích đào tạo người dân ở các thị xã khác nhau cách
dùng Internet. Phần lớn người được hướng dẫn đang trong độ tuổi 20 và
cũng muốn tìm cơ hội việc làm hay học bổng.
Tuy nhiên, tổ chức không thể mở rộng quy mô. Tại
các khu vực hẻo lánh, điện và máy tính là điều xa xỉ. Một số nơi họ
không thể dạy về Internet vì đơn giản ở đó không có Internet và người
dân cũng không biết về máy tính.
Tại các khu đô thị như Yangon, có thể truy cập
Internet tại các quán café Internet công cộng với phí 0,32 USD/giờ. Tại
quán Lifenet, tốc độ chỉ khoảng 0,3Mbps song vẫn đủ để “lướt” Facebook,
website có lẽ là nổi tiếng nhất tại Myanmar.
Tuy nhiên, thay đổi lớn hơn lại nằm trong bức tranh
toàn cảnh của giới công nghệ Myanmar. Trong 3 năm tới, chính phủ muốn
tỉ lệ tiếp cận di động phải đạt từ 75% tới 80%. Để làm được điều này,
Myanmar mở cửa ngành công nghiệp viễn thông và tìm kiếm nguồn lực của
tập đoàn viễn thông quốc tế nhằm cải thiện mạng lưới di động quốc gia.
Ngày 27/6 tới đây, chính phủ sẽ công bố hai đơn vị đấu thầu thành công.
Hiện tại, Myanmar bắt đầu bán giới hạn các thẻ SIM
có giá 1,5 USD. Theo các nhà quan sát ngành, tương lai gần hàng triệu
người có thể mua được điện thoại giá rẻ cùng với tốc độ kết nối nhanh
hơn và thậm chí còn có tiềm năng phát triển mạng 4G. Trong khi đó, các
nhà sản xuất điện thoại lớn cũng nhanh chóng tập hợp lực lượng để chuẩn
bị cho nhu cầu trong tương lai.
Tháng 11/2012, Samsung tiến vào thị trường
Myanmar. Trong tháng 5/2013, công ty tổ chức sự kiện ra mắt smartphone
Galaxy S4 mới nhất tại đây. Hãng điện thoại Đài Loan HTC cũng mở nhiều
cửa hàng và cài sẵn tiếng Myanmar trên thiết bị.
Htoo Htet, một nữ nhân viên bán điện thoại cho biết
người dân Myanmar thích HTC, iPhone, Samsung. Song, chính những điện
thoại giá rẻ từ Trung Quốc như của Huawei mới là loại phổ biến nhất. Một
mẫu smartphone Huawei bình thường chỉ có giá 125 USD, rẻ hơn nhiều so
với Galaxy S4 của Samsung giá 660 USD.
Một số công ty như Google cũng ghé thăm Myanmar và
khen ngợi những thay đổi của nước này. Dù vậy, đưa Internet tới phần
đông dân số là câu chuyện nan giải hơn nhiều so với điện thoại. Tun
Thura Thet, Tổng Giám đốc hãng phần mềm của Myanmar cho rằng hai vấn đề
lớn cần giải quyết là cơ sở hạ tầng dưới tiêu chuẩn và trình độ dân trí
thấp.
“Chúng tôi không có đủ máy tính trong trường học.
Phương pháp dạy, phương tiện giảng dạy, cơ sở vật chất, tất cả đều phải
xem xét lại”, ông nhận định.
Như ICTnews đã đưa tin trước đó, Viettel cùng
11 hãng viễn thông và công ty khác trên toàn thế giới (nay là 10 sau khi
liên minh China Mobile - Vodafone bỏ cuộc) cạnh tranh nhau để có được
giấy phép kinh doanh viễn thông thời hạn 15 năm tại thị trường Myanmar.
Các bên tham gia phải đối mặt với một số yêu cầu như phải cung cấp dịch
vụ gọi thoại di động tới 75% lãnh thổ địa lý trong vòng 60 tháng. Hai
hãng thắng cuộc dự kiến được công bố vào ngày 27/6 tới đây.
Theo PCW