Thủ tướng trả lời phỏng vấn của Bloomberg
ngày 27/9 tại New York.
Thủ tướng cho biết có thể cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tăng sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% trong “tương lai gần”.
Trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg nhân chuyến thăm tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng nội.
Theo Thủ tướng, trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng mà “khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn đầu tư vào”. Hiện tại, Việt Nam đã giảm số doanh nghiệp do nhà nước nắm toàn bộ vốn từ 12.000 doanh nghiệp xuống còn 1.300 doanh nghiệp và sẽ thu hẹp lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này.
Thủ tướng cũng cho biết các doanh nghiệp nhà nước cần phải vận hành trong nền kinh tế thị trường. “Chúng tôi sẽ đối xử với họ bình đẳng như với các doanh nghiệp khác”, Thủ tướng nói. Hiên nhà nước cũng có kế hoạch bán cổ phần trong các tập đoàn, tổng công ty như Vietnam Airlines, VNPT, PetroVietnam.
Về tỷ giá, theo Thủ tướng, chính phủ dự kiến sẽ phá giá tiền đồng tối đa là 2% từ nay đến cuối năm. Tỷ lệ điều chỉnh bao nhiêu tùy thuộc vào diễn biến thị trường.
Hồi cuối tháng 6 năm nay, VND đã giảm giá 1% - lần điều chỉnh đầu tiên kể từ năm 2011 và NHNN cho biết sẽ điều chỉnh trong phạm vi 3% trong năm nay. So với các nước trong khu vực thì VND vẫn mạnh hơn khi chỉ giảm 1,3% so với USD, trong khi đồng nội tệ của Philippine và Malaysia giảm ít nhất 5% kể từ đầu năm tới nay.
Với sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng, Thủ tướng cho biết có thể cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tăng sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% trong “tương lai gần”.
Hiện tại, theo Thủ tướng, Chính phủ đang xem xét gia tăng sở hữu của vốn ngoại tại các ngân hàng và cả các doanh nghiệp viễn thông. Đến thời điểm này, sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng tối đa là 30% và một nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa là 20%. Theo S&P thì việc giới hạn này khiến cho các ngân hàng Việt Nam trở nên kém cạnh tranh.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng kêu gọi phía Hoa Kỳ nên dành những ưu đãi đặc biệt đối với Việt Nam trong đàm phán. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ được thúc đẩy nếu ký Hiệp định TPP. Theo một nghiên cứu hồi tháng 10/2011 của Trung tâm nghiên cứu Đông – Tây, Việt Nam có thể là đối tượng hưởng lợi nhất nếu tham gia Hiệp định.
Tuy nhiên Chính phủ vẫn chịu sức ép lớn từ cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Hồi tháng Tám vừa qua, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, chính khu vực kinh tế nhà nước là dễ gây tổn thương nhất tới nền kinh tế.
Ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng có thể coi là tuyên bố đáng khích lệ nhất trong vài năm qua. "Việt Nam cần có hành động như vậy để có thể lấy lại mức tăng trưởng 7% như trước kia", ông nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 5,4% trong năm nay và 5,8% trong năm tới - 3 năm liên tiếp tăng trưởng dưới 6%. Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ, chủ yếu do nợ xấu. Theo đánh giá của Fitch Ratings thì nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là cao nhất trong số 6 nước Đông Nam Á mà hãng này đánh giá.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg