Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Cần người "lãnh ấn" gỡ vướng cho doanh nghiệp

Việc cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải thành lập một ủy ban quốc gia do Phó Thủ tướng "lãnh ấn" để tập hợp và chỉ huy các bộ, ngành giải quyết những vấn đề mà DN đang vướng mắc.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho biết tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, dịch vụ tăng 5,92%...

Những con số tăng trưởng trên cho thấy 6 tháng qua, những chuyển biến tích cực vẫn tập trung ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng.

Đặc biệt, với nhiều giải pháp nhằm kích cầu sức mua, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) của Chính phủ, cộng đồng DN đang có những dấu hiệu phục hồi. Số DN đăng ký mới bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây: 6 tháng năm 2013 ước tăng 7,8%. Đã có khoảng 9.300 DN đã hồi sinh, quay trở lại sản xuất, kinh doanh.

Lạm phát không còn là mối lo?

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng dần qua từng tháng và trong 6 tháng qua, chỉ số IIP ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến đã có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm, tại thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7%, so với cùng thời điểm năm trước đã giảm mạnh.

Cùng với đó, xuất khẩu cũng trên đà tăng và chủ yếu do khu vực công nghiệp mang lại, nhập siêu cũng đang ở trạng thái được cải thiện hơn, từ chỗ chỉ xuất siêu 3 tháng đầu năm thì tháng 4 - 5, nhập siêu đã quay trở lại… Đây là những dấu hiệu để hoàn toàn có thể tin tưởng rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục.

Về phía thị trường tiền tệ cũng đang xuất hiện những điểm tích cực, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2013 vào khoảng 2,5%, trong khi nếu nhìn vào mức tăng tín dụng cùng thời điểm năm 2012 là con số âm.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI còn ở mức khá cao: CPI tháng 6/2013 tăng 6,69%, bình quân 6 tháng tăng 6,73%.

"Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, điều đó đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng như: điện, xăng, dầu, phân bón và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác", ông Vinh nói.

PGs.,Ts. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Tình hình kinh tế vô cùng lo ngại khi suy giảm kinh tế đã rõ ràng và DN phá sản, ngừng hoạt động trở thành "dịch". Hết năm nay mà tình hình vẫn chưa được cải thiện thì e rằng quá muộn. Xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan do bộ, ngành chức năng đã không nhận diện đầy đủ tình hình, dẫn đến báo cáo về "sức khỏe" DN chưa rõ ràng".

TỐC ĐỘ GIA TĂNG GDP 6 THÁNG 2012 và 2013 (%)

"Việc cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải thành lập một ủy ban quốc gia do Phó Thủ tướng "lãnh ấn" để tập hợp và chỉ huy các bộ, ngành giải quyết những vấn đề mà DN đang vướng mắc. Cấp tỉnh, thành cũng phải có một ủy ban tương tự do một phó chủ tịch UBND chủ trì", ông Ngân đề xuất.

Khó đạt nếu thiếu quyết liệt

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng của nhiều lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản - những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đều có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Số liệu ước tính của Bộ KH&ĐT cho thấy kết thúc 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 2,07%, thấp hơn con số 2,88% của cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng cũng chỉ đạt 5,18%, thấp hơn 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Còn dịch vụ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2012 và đạt mức 5,92% (cùng kỳ năm trước đạt 5,29%).

Về thương mại, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt khoảng hơn 62,1 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,5 tỷ USD, đồng nghĩa với việc nhập siêu ước tính hơn 1,4 tỷ USD. Thông thường, chỉ số nhập siêu tăng được coi là một dấu hiệu tốt cho thấy các DN gia tăng hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Việt Tường, mức nhập siêu 1,4 tỷ USD cho 6 tháng đầu năm 2013 lại là biểu hiện cho khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Hiện tại, quá nhiều DN đang gặp khó khăn, buộc phải co hẹp sản xuất nên không xuất khẩu và cũng không nhập hàng về nữa. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập siêu đặt trong bối cảnh CPI cả nước thời gian qua chứa nhiều bất ổn cho thấy nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại rất lớn.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ: với những diễn biến của nền kinh tế hiện nay, một số chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và bội chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, đồng thời cảnh báo mức tăng trưởng GDP theo mục tiêu đề ra 5,5% sẽ rất khó đạt được nếu các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ được thực hiện thiếu quyết liệt và hiệu quả. Vì trên thực tế, số lượng DN đình đốn, dừng hoạt động và phá sản vẫn không được cải thiện, lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn còn quá nhiều rào cản khiến việc tiếp cận nguồn vốn đối với đa số DN hết sức khó khăn.

----------------------------------------

So với năm 2008, kinh tế hiện nay còn khó khăn hơn

Gs., Ts. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài
------------------------------------

Chính phủ cho là kinh tế có nhiều lạc quan, còn các chuyên gia kinh tế thì lại bi quan với tình hình hiện nay. Bởi nếu so với khủng hoảng năm 2008 thì hiện nay, kinh tế còn khó khăn hơn. Cụ thể, tăng trưởng giảm, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DN nhà nước còn chậm. Số DN phá sản, chờ phá sản là rất nhiều trong khi số DN mới thành lập lại rất ít, lòng tin của DN vào thị trường giảm mạnh, đời sống của người lao động giảm sút đáng kể.

DN tiếp tục đối mặt với nhiều "sóng gió"

Ts. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNnhỏ và vừa Việt Nam
------------------------------------

Khả năng có mức tăng trưởng, kiềm chế lạm phát như dự kiến là rất khó. Nguy cơ lạm phát sẽ quay lại khi thực hiện việc mua bán nợ xấu, gói 30.000 tỷ… đưa một lượng lớn tiền vào nền kinh tế và lạm phát sẽ tăng trở lại. Năm 2013 là năm kinh tế còn khó khăn, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng kinh tế còn khó khăn hơn cả năm 2012. Vì vậy, DN còn tiếp tục đối mặt với nhiều "sóng gió". Để đứng vững trên thị trường đòi hỏi trước hết, DN phải tự cứu mình, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Chặng đường phía trước còn dài

Ts. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng
------------------------------------

Trong 6 tháng, GDP thấp hơn dự kiến. Nhìn vào thực tế, nền kinh tế tiếp tục tồn tại nhiều khó khăn. Để hồi phục lại nền kinh tế so với trước đây thì chặng đường phía trước còn dài. Lãi suất giảm, ngân hàng đưa ra hàng loạt gói tín dụng dành cho DN, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN không tốt, nên tình trạng ngừng hoạt động và phá sản vẫn tiếp diễn. Trong 5 tháng đầu năm, số DN giải thể là 23.226 DN. Đây là con số rất đáng để suy ngẫm.

Theo Việt Nguyễn
Thời báo kinh doanh

123456789[10]...18