Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp
châu Âu do EuroCham thực hiện khảo sát và công bố mới đây cho thấy niềm
tin của các doanh nghiệp châu Âu với môi trường kinh doanh Việt Nam đang
cải thiện dần.
Vậy đây là sự phục hồi ngắn hạn hay nó
phát đi tín hiệu về triển vọng sáng sủa hơn của môi trường kinh doanh?
Phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Warrick Cleine, Giám đốc
điều hành tại Việt Nam, Lào, Campuchia của công ty kiểm toán quốc tế
KPMG.
Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam quý 1/2013 do Eurocham
công bố cho thấy sự cải thiện nhưng nhìn chung trong 2 năm qua vẫn
trong xu thế suy giảm. Vậy sự suy giảm này là của riêng Việt Nam hay của
chung các nước khác trong khu vực Đông Nam Á?
- Nếu nhìn quanh khu vực Đông Nam Á, có
thể thấy năm 2010 và năm 2011 đều là hai năm khó khăn, chính phủ của các
nước đều phải ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2012 và
2013, nhìn chung tình hình đối với các nền kinh tế Đông Nam Á đã sáng
sủa hơn, niềm tin của doanh nghiệp nhờ vậy cũng cải thiện. Đối với Việt
Nam,thời gian qua nền kinh tế phải xử lý một số vấn đề riêng, vì
vậy đánh giá của doanh nghiệp đối với thị trường cũng chịu những
tác động riêng.
Chỉ số môi trường kinh doanh của Eurocham cho thấy sự nhìn
nhận của doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường đầu tư Việt Nam. Vậy
đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam chịu tác động
ra sao từ việc kinh tế châu Âu đang khó khăn?
- Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa
khó khăn mà chính phủ các nước châu Âu phải đối đầu và thách thức của
các doanh nghiệp châu Âu. Chính phủ các nước châu Âu phải giải quyết vấn
đề tài khóa, trong khi đó doanh nghiệp châu Âu vẫn khá mạnh, có khả
năng tài chính tốt và vẫn tiếp tục muốn đầu tư vào Việt Nam.
Khi kinh tế châu Âu khó khăn, họ có thêm
động lực để tìm kiếm thị trường mới hoặc nơi sản xuất mới để tiết kiệm
chi phí, vì vậy họ đến Việt Nam. Còn ngược lại đối với hoạt động thương
mại giữa Việt Nam và châu Âu, tôi muốn nhấn mạnh rằng kinh tế châu Âu
đang khó khăn, người châu Âu ngày một tiết kiệm chi phí và khó tính hơn,
nếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục muốn bán được nhiều hàng tại châu Âu
thì cần đảm bảo hàng hóa có chất lượng thật sự tốt.
Một vài tổ chức quốc tế trong thời gian gần đây nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ có thể phục hồi mạnh từ năm 2014, vậy KPMG có thể đưa ra dự báo của riêng mình?
- Đó là nhận định đúng. 2012 thực sự là
một năm khó khăn của các doanh nghiệp. Cho đến nay nhiều yếu tố bất lợi
đã dần thay đổi theo hướng tích cực, thế nhưng tôi nghĩ vẫn cần chờ
thêm 12 tháng nữa để có thể thấy những đột phá.
Nhìn chung hiện tại, tình hình kinh tế
vĩ mô của Việt Nam đang ổn định hơn và doanh nghiệp hưởng lợi từ điều
này, họ sẵn sàng đưa ra các quyết định đầu tư. Kinh tế Việt Nam hiện
đang có mối liên hệ chặt chẽ hơn với kinh tế thế giới và nhiều khu vực
kinh tế lớn của thế giới như Mỹ hay Nhật đang phục hồi, hai thị trường
này là điểm đến quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Như vậy, nhìn chung kinh tế Việt Nam năm 2013 bình ổn dần và sẽ phục hồi mạnh từ năm 2014.
Xin cảm ơn ông về những thông tin trên!
Theo Ngọc Diệp