Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Tháng 6, mức chênh lệch giá vàng sẽ xuống thấp

Đó là nhận định của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank khi trao đổi với ĐTCK.

Bên lề Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Thành ủy, UBND TP. HCM tổ chức cuối tuần qua, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank đã trao đổi với ĐTCK về hai vấn đề “nóng” trên thị trường tiền tệ là bình ổn thị trường vàng và hạ lãi suất cho vay.

NHNN vừa tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường vàng. Ông có bình luận gì về hướng đi này của NHNN?

Đấu thấu vàng là một hướng đi của NHNN để giải một bài toán rất căn bản của thị trường vàng Việt Nam, đó là xử lý khối lượng vàng đã huy động trong hơn 10 năm nay. NHNN đang nỗ lực chuyển từ quan hệ huy động - cho vay vàng sang quan hệ mua - bán vàng. Điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều được.

Tôi cho rằng, việc NHNN dùng các biện pháp như sử dụng dự trữ ngoại hối của mình bằng vàng để can thiệp nguồn cung trên thị trường thông qua các phiên đấu giá là đúng. Dĩ nhiên, NHNN không chỉ thực hiện can thiệp một chiều là thực hiện đấu giá để cung ứng lượng vàng ra thị trường, ngược lại, khi thị trường ổn định, vẫn có thể mua vào một lượng vàng vật chất trên thị trường, chứ không nhất thiết phải sử dụng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD để nhập khẩu vàng.

Ông có nhận xét gì về mức giá mà NHNN đưa ra trong 2 phiên đấu thầu vừa qua?

Trong phiên đấu thầu đầu tiên, mức giá sàn mà NHNN đưa ra cao hơn mức giá của thị trường. Tôi cho rằng, đây cũng có thể là bước thăm dò của NHNN với phản ứng của các thành viên thị trường trước một phương thức hoàn toàn mới. Điều này là cần thiết và NHNN không vội gì phải hạ thấp mức sàn giá đấu thấp hơn giá thị trường.

Qua phiên thứ hai, NHNN đã có thể thu thập những thông tin để định ra mức giá tương đối vừa phải. Việc bán gần hết 26.000 lượng vàng đưa ra đấu giá trong đợt này đã tạo ra nguồn cung lớn trên thị trường, giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Đây là thành công bước đầu của NHNN.

Vậy ông dự báo thời điểm nào thì giá vàng trong nước và quốc tế sẽ gần nhau?

Một khi Chính phủ có bước đi phù hợp trong quản lý thị trường vàng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước - quốc tế có thể được thu hẹp lại, tạo lập lòng tin của thị trường và khi đó, nhu cầu mua - bán trên thị trường vàng cũng trở nên hài hòa hơn.

Nếu chúng ta đấu thầu liên kỳ theo cách thức như hiện nay, với một lượng cung đủ mạnh cho thị trường, tôi cho rằng, khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế sẽ được rút ngắn xuống thấp vào khoảng tháng 5, 6.

Về vấn đề lãi suất cho vay, Chính phủ vừa yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất xuống, quan điểm của ông như thế nào?

Chúng tôi rất tán thành với quan điểm cần phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay so với hiện tại. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay xuống mức 8 - 10%/năm hiện nay là rất khó, bởi với trần lãi suất huy động là 7,5%/năm, nếu chỉ cho vay ra với mức này, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ rất thấp, khiến hệ thống NHTM gần như không có lãi. Trong khi đó, chi phí vốn đang phải gánh thêm chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Có thể nói, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước khó khăn về mặt tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, hoạt động của hệ thống ngân hàng phải dựa trên sự phát triển của khách hàng, DN, những người vay tiền..., nên các ngân hàng hiện nay đã nỗ lực tiết giảm chi phí như chi phí huy động vốn, chi phí hành chính, tiền lương… Chúng tôi một mặt rất hưởng ứng yêu cầu của Chính phủ, nhưng mặt khác cũng đang đứng trước khó khăn, vì thực sự chúng tôi đã giảm lãi suất rất sớm, rất nhanh và xuống rất thấp rồi.

Ông có cho rằng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới, để làm cơ sở cho hạ lãi suất cho vay?

Lãi suất huy động phụ thuộc vào hai yếu tố, nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế, cụ thể là việc tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu và phải chịu tác động rất quan trọng của lạm phát. Nếu lạm phát được kiềm chế quanh mức như quý I vừa rồi và dự kiến lạm phát cả năm khoảng 6 - 7%, thì lãi suất huy động có thể giảm xuống.

Tuy nhiên, lãi suất sẽ không thể giảm nhiều, vì có thể đụng chạm tới rất nhiều vấn đề, ví dụ như quyền lợi của người gửi tiền.

Theo ĐTCK