Tin kinh tế
Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 21/6
“Ngấm đòn” của FED, tất cả các thị trường chứng khoán và hàng hóa như vàng, dầu đều lao dốc không phanh trong phiên 20/6.
Chứng khoán và các thị trường hàng hóa hoảng loạn sau quyết định của FED - Ảnh: Reuters
“Ngấm đòn” của FED, Phố Wall lao dốc: Phát biểu trong buổi họp báo ngày 19/6 sau cuộc họp 2 ngày, Chủ tịch Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết, FED sẽ giảm bớt gói kích thích kinh tế từ cuối năm nay và hoàn thành vào giữa năm 2014.
Sau phát biểu này của Bernanke, đồng USD tăng vọt, trong khi thị trường hàng hóa thế giới đã bị bán tháo mạnh. Tuy nhiên, do một số thị trường đóng cửa trước hoặc sau thời điểm cuộc họp báo diễn ra ít phút, nên ít bị ảnh hưởng trong phiên 19/6, ngoại trừ Phố Wall và giá vàng giảm mạnh.
Bước vào phiên giao dịch ngày 20/6, phát biểu của Bernanke mới thật sự ngấm sâu vào các thị trường hàng hóa trên thế giới, hành động bán tháo đã nhấn chìm gần như tất cả các thị trường hàng hóa, chứng khoán giảm hơn 2%, giá vàng mất 5,7%.
Chứng khoản giảm sâu bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố khả quan. Theo dữ liệu vừa được công bố, nhà bán ra trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất 3,5 năm và hoạt động nhà máy sản xuất trong khu vực giữa Đại Tây Dương của Mỹ hồi phục trong tháng qua, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm.
Cụ thể, kết thúc phiên 20/6, chỉ số Dow Jones giảm 353,87 điểm (-2,34%), xuống 14.758,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,74 điểm (-2,50%), xuống 1.588,19 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 78,57 điểm (-2,28%), xuống 3.364,64 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P kể từ ngày 11/11/2011.
Chứng khoán châu Âu giảm mạnh: Do bài phát biểu của Chủ tịch FED diễn ra ít phút trước khi chứng khoán châu Âu kết thúc, nên các thị trường chứng khoán châu Âu chỉ giảm nhẹ trong phiên 19/6. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch ngày 20/6, quyết định giảm gói định lượng QE3 của FED đã ảnh hưởng mạnh tới chứng khoán châu Âu , kéo các thị trường chứng khoán chính của khu vực giảm mạnh. Cụ thể, kết thúc phiên 20/6, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 189,31 điểm (-2,98%), xuống 6.159,51 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 268,6 điểm (-3,28%), xuống 7.928,48 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 140,41 điểm (-3,66%), xuống 3.698,93 điểm.
Chứng khoán châu Á lao mạnh: Cũng giống như chứng khoán Âu, Mỹ, phát biểu của Chủ tịch FED về việc giảm gói kích thích kinh tế vào cuối năm nay đã ảnh hưởng mạnh đến chứng khoán châu Á. Ngoài ra, chứng khoán châu Á còn chịu tác động bởi thông tin không mấy tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc. Theo báo cáo của HSBC, chỉ số quản lý mua hàng trong tháng 6 giảm xuống mức 48,3 điểm so với mức 49,2 điểm trong tháng 5.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong 13 năm vào năm 2012 và dữ liệu trong năm nay đã yếu hơn so với dự báo, khiến các chuyên gia dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%.
Cụ thể, kết thúc phiên 20/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 230,64 (-1,74%), xuống 13.014,58 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 604,02 điểm (-2,88%), xuống 20.382,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 59,43 điểm (-2,77%), xuống 2.084,02 điểm.
Giá vàng mất gần 5,2%: Việc FED tuyên bố cắt giảm gói kích thích kinh tế khiến đồng USD tăng mạnh, đẩy giá vàng tiếp tục lao dốc với mức giảm gần 5,2%, xuống xa mốc 1.300 USD/ounce. Đây là mức giảm mạnh nhất của kim loại quý này kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Kết thúc phiên 20/6, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 70,2 USD (-5,22%), xuống 1.274,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex tăng 87,8 USD (-6,39%), xuống 1.286,2 USD/ounce.
Giá dầu giảm mạnh: Đồng USD tăng giá cũng tác động đến giá dầu khiến nhiên liệu này giảm mạnh trong ngày 20/6. Kết thúc ngày 20/6, giá dầu Brent giảm 3,97 USD (-3,75%), xuống 102,04 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork giảm 3,1 USD (-3,16%), xuống 95,14 USD/thùng.
Theo ĐTCK