Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Đại gia công nghệ Trung Quốc vướng rào cản "lòng tin"

Úc vừa chính thức loại Tập đoàn điện tử Huawei Technologies (Trung Quốc) khỏi danh sách đấu thầu xây dựng hệ thống Internet băng thông rộng cho toàn xứ sở chuột túi, do những quan ngại "về an ninh".

Như vậy, sau Hoa Kỳ, Huawei vẫn tiếp tục thất bại trong việc chiếm thiện cảm từ nhà cầm quyền các quốc gia phương Tây. Việc gì đang diễn ra với “ông lớn” trong lĩnh vực CNTT này? Nhịp Sống Số cùng tìm hiểu về vụ việc.



Là một trong những tên tuổi viễn thông hàng đầu thế giới, tham vọng chinh phục thị trường phương Tây vẫn là một trong nhiều mục tiêu “chưa thành” của Huawei - Ảnh minh họa: Internet

Theo người đại diện cho Huawei Úc, ông Jeremy Mitchell, giới chức nước này cho rằng “công việc kinh doanh của Huawei tại Úc là chưa đủ độ tin cậy”.

“Huawei thất vọng với quyết định của nhà chức trách, song vẫn tiếp tục hoạt động theo tôn chỉ mở và minh bạch, cũng như tìm cách thuyết phục các bên liên quan về tính bảo mật và đáng tin cậy trong những sản phẩm công nghệ của công ty”, trích một phần văn bản thông cáo báo chí của Huawei.

Theo đó, ngay từ thời điểm kết thúc năm 2011, các quan chức của chính quyền liên bang Úc đã thẳng thừng từ chối đề nghị tham gia đấu thầu của Huawei trong việc hiện thực hóa “National Broadband Network”, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mạng và viễn thông lớn nhất trong lịch sử nước Úc, mang tham vọng kết nối 93% các hộ gia đình và doanh nghiệp tại đây với đường truyền Internet tốc độ cao.

Huawei: vì đâu nên nỗi?

Vào thời điểm tháng 11-2011, một báo cáo phản gián Hoa Kỳ đã kết luận các hoạt động hacking (tấn công hệ thống) xuất phát từ Trung Quốc - bất kể thuộc khối tư nhân hay hoạt động nhà nước chính thức - là “mạnh mẽ và nguy hiểm nhất thế giới”, thường mang mục đích gián điệp công nghệ. Bản báo cáo cũng dẫn trường hợp hệ thống máy chủ của Google bị tấn công, cũng như vụ lấy cắp dữ liệu từ các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới… đều có xuất phát từ quốc gia châu Á.



Huawei đang mở rộng thị trường sang các nước phương Tây và Mỹ với các sản phẩm thiết bị di động giá rẻ - Ảnh: Reuters

Cũng vào cuối năm 2011, Quốc hội Hoa Kỳ tiến hành cuộc điều tra nhằm làm rõ việc có hay không các rủi ro cho an ninh quốc gia, đối với việc Huawei cũng như nhiều tên tuổi viễn thông lớn từ Trung Quốc đang ngày càng mở rộng hoạt động trên đất Mỹ. Cuộc điều tra cũng để kiểm tra quá trình các hãng viễn thông Trung Quốc gia công linh kiện điện tử cho thị trường Mỹ, cũng như các quan ngại về an ninh đi kèm.

Hậu quả nhãn tiền

Mới đây, liên minh an ninh mạng giữa Hãng bảo mật Symantec cùng Huawei đã đi đến hồi kết. Nguyên do cũng vì những quan ngại về phương diện chính trị từ Chính phủ Hoa Kỳ đối với các công ty điện tử viễn thông Trung Quốc, mà cái tên đi đầu cũng như phát triển mạnh mẽ nhất chính là Huawei.

Theo đại diện Symantec, việc tiếp tục bắt tay cùng Huawei sẽ dẫn đến kết cục là hãng này, cũng như nhiều doanh nghiệp khác thuộc khối tư nhân, sẽ không còn nhận được những thông tin tình báo, cũng như các loại cảnh báo sớm về bảo mật Internet từ Chính phủ Hoa Kỳ.



Liên minh Huawei và Symantec không có cơ hội “sinh trái ngọt” - Ảnh minh họa: Internet

Năm 2008, Huawei đã phải rút lui khỏi cuộc đấu thầu của Tập đoàn 3Com trong việc phát triển một chương trình phần mềm chống hack cho quân đội Mỹ, bởi những sức ép xuất phát từ chính phủ nước này, chủ yếu lo ngại về an ninh quốc gia nếu trong danh sách dự thầu lại có một đại gia điện tử từ Trung Quốc.

Sự kiện tương tự còn lặp lại với chính Huawei vào năm 2010, khi công ty Trung Quốc bị mất một gói thầu cung ứng linh kiện viễn thông cho nhà mạng di động Sprint, sau khi giới lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng với những lý do không mới.

Cũng trong tháng 7-2010, Hãng điện tử Mỹ Motorola chính thức đâm đơn kiện Huawei với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại. Đây có thể xem như đỉnh điểm trong loạt căng thẳng giữa Huawei với thị trường Mỹ.

Các hãng công nghệ thông tin lớn tại Trung Quốc đang thật sự vướng phải rào cản lòng tin đối với thị trường phương Tây và Mỹ sau hàng loạt hoạt động tấn công hệ thống mạng ngày càng gia tăng của giới tin tặc được cho là có nguồn gốc từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nguồn nhipsongso.tuoitre.vn
123456789[10]...18