Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Thị trường trái phiếu: Sẽ có công ty định hạng tín nhiệm

Nếu trong năm 2013, nghị định được ban hành, các công ty định hạng sẽ được thành lập. Đây sẽ là chỉ số quan trọng góp phần phát triển thị trường TPDN trong tương lai.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, Bộ Tài chính đang dự thảo và lấy ý kiến bước đầu về hoạt động của công ty định hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Nếu trong năm 2013, nghị định được ban hành, các công ty định hạng sẽ được thành lập và chúng ta sẽ có dịch vụ định hạng DN. Đây sẽ là chỉ số quan trọng góp phần phát triển thị trường TPDN trong tương lai.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.

Theo ông, vì sao việc phát hành trái phiếu DN (TPDN) thời gian qua gặp nhiều khó khăn?

Thị trường tài chính là thị trường của niềm tin. Vì vậy, gốc của vấn đề nằm ở chất lượng hàng hóa. Chất lượng trái phiếu cũng chính là chất lượng của DN.

Chúng ta đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ theo chiều sâu, thực chất chính là tái cấu trúc hoạt động của DN để tạo ra sự phát triển mạnh về chất một cách bền vững hơn. Đây là cả quá trình, rất tốt cho tương lai nhưng ở giai đoạn đầu, thị trường sẽ thanh lọc khá nhiều DN hoạt động yếu kém.

Chỉ riêng năm 2012, thống kê của các bộ ngành cho thấy, hơn 50 nghìn DN đã phá sản hoặc giải thể. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo ngại bởi với môi trường như vậy, nếu mua trái phiếu của DN sẽ là rất rủi ro.

Khi môi trường thông tin chung bị nhiễu và xấu, các chuẩn mực công bố thông tin chưa rõ ràng, hệ thống định nhiệm qua báo cáo tài chính, kiểm toán còn hạn chế thì chính DN tốt cũng bị lẫn trong đó, khiến NĐT khó có thể phân biệt.

Bối cảnh hiện tại còn khá khó khăn cho phát triển thị trường TPDN. Nhưng các chủ trương, chính sách của Chính phủ nói chung và xu hướng phát triển thị trường nói riêng hiện đang đi vào chiều sâu và đang tạo ra môi trường phát triển lành mạnh, hiệu quả cho DN.

Khi thị trường đi theo hướng như vậy, nhìn một cách khách quan và logic thì sự phát triển của thị trường TPDN sẽ ngày càng có nhiều cơ hội hơn, thực chất và bền vững hơn.

Nhiều ý kiến nhận định, kinh tế năm 2013 vẫn rất khó khăn, trong khi chính sách hỗ trợ chưa có gì mới. Vậy cơ hội phát triển của DN sẽ như thế nào?

Hết năm 2012, tổng dư nợ TPDN chỉ đạt 1% GDP. Trong kế hoạch hoạt động năm 2013, HNX sẽ nghiên cứu mô hình triển khai thị trường giao dịch TPDN.

Trên cơ sở được Bộ Tài chính chấp thuận, VBMA đang khẩn trương xây dựng Trung tâm thông tin TPDN. Cùng với đó, VBMA cũng đang khẩn trương xây dựng cẩm nang tư vấn phát hành TPDN.

Nói như vậy thì rất chung chung và chưa đi vào thực chất. Nếu nhìn vào các yếu tố chính của thị trường thì thấy thực tế không phải vậy. Lãi suất cho vay cách đây 2 năm tới hơn 20%, nay giảm chỉ khoảng 15%. Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2012. Thứ nữa là từ 2011, NHNN đã bắt đầu khống chế tăng trưởng tín dụng phi sản xuất, hướng dòng tín dụng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, bản thân chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp cho tỷ giá ổn định, lạm phát từng bước được khống chế… Điều này đã đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN hồi phục.

Năm nay, Bộ Tài chính dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển TPDN. Trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý cho việc hình thành các tổ chức định mức tín nhiệm trong nước, mở đường cho sự ra đời của quỹ hưu trí tự nguyện đang được bộ tiến hành khẩn trương.

Phan Thị Thu Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Tôi cho rằng, để tạo ra sự phát triển thực chất của nền kinh tế, nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước là điều kiện cần, nhưng phải có điều kiện đủ, đó chính là sự nhạy bén, năng động, chủ động, sáng tạo và nỗ lực của bản thân các DN. DN có tận dụng được môi trường, chính sách để biến nó thành cơ hội, tạo ra giá trị gia tăng thực sự để phát triển hay không mới là quan trọng.

Thực tế cho thấy, đây là việc không dễ dàng và là thách thức đối với không chỉ DN Việt Nam mà toàn thế giới. Bởi nhìn sang Mỹ, châu Âu, hay các nước phát triển, hiện môi trường lãi suất gần như bằng 0%, nhưng tại sao kinh tế vẫn không phát triển.

Vấn đề chúng ta đặt ra ở đây mới chỉ là đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý mà thiếu đi một yếu tố khác là đòi hỏi nỗ lực của DN trong việc tích cực tham gia vào quá trình đó.

DN cần hiểu rằng, cơ quan quản lý chỉ hoạch định chính sách tạo ra các điều kiện thuận lợi, còn DN và người dân cần phải biết tận dụng được chính sách này để tạo ra thực chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi DN có năng lực cạnh tranh, có chất lượng phát triển tốt sẽ quay lại hỗ trợ chính sách, giúp cho nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển theo chiều sâu.

Trong bối cảnh thông tin thị trường bị nhiễu như vậy, làm thế nào để NĐT có thể phân biệt được đâu là hàng hóa tốt hay chưa?

Vấn đề ở đây là phải có được các thông tin để đánh giá chất lượng DN. Chúng tôi được biết, Bộ Tài chính đang dự thảo và lấy ý kiến bước đầu về hoạt động của công ty định hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Nếu trong năm 2013, nghị định được ban hành, các công ty định hạng sẽ được thành lập và chúng ta sẽ có dịch vụ định hạng DN. Đây sẽ là chỉ số quan trọng góp phần phát triển thị trường TPDN trong tương lai.

Hệ thống thông tin thị trường không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Điều này không chỉ thể hiện năng lực, trình độ quản lý của các cơ quan quản lý, trình độ hay chiều hướng phát triển của thị trường mà còn là tính minh bạch của thị trường.

Không những thế, nó còn là quá trình tích lũy cả về kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, gồm cả hệ thống công nghệ, hệ thống báo cáo và truyền tải thông tin. Sự tích lũy ở đây là tích lũy cả về kiến thức của các thành viên thị trường và kiến thức của công ty cung cấp dịch vụ.

Ở thị trường phát triển, mỗi hoạt động của thị trường đều có quy chuẩn, chuẩn mực nhất định. Khi có chính sách đúng, chuẩn mực tốt sẽ tạo được thị trường minh bạch. Tuy nhiên, cần có thời gian nhưng thời gian dài ngắn tùy thuộc vào sự năng động, sáng tạo và thông minh của chúng ta khi đưa ra chính sách đi tắt đón đầu để đẩy nhanh dịch vụ này.

Tôi cho rằng, các cơ chế về cung cấp thông tin thời gian qua được cải thiện rất nhiều với việc hình thành TTCK, thị trường trái phiếu, các yêu cầu bắt buộc cung cấp thông tin của các công ty đại chúng… là bước tiến rất lớn. Như vậy, bản thân khung pháp lý thời gian qua đã từng bước hình thành.

Thực tế, có rất nhiều cơ chế chính sách tốt nhưng hiệu lực pháp luật còn hạn chế. Ngay như nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp thông tin của công ty đại chúng. Về pháp lý là ổn, nhưng trường hợp xử lý vi phạm cung cấp thông tin, liệu các chế tài đã thực sự đủ mạnh, đủ sức răn đe hay chưa?

Xin cảm ơn ông!

Theo Dương Công Chiến
Thời báo ngân hàng

123456789[10]...18