Tin kinh tế
Đà Nẵng: Điểm đến của Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2013
Trong khuôn khổ "Tuần CNTT Nhật Bản 2013", nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp CNTT
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng để tìm kiếm đối tác.
Chiều 24/10, Sở TT&TT Đà Nẵng đã phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hiệp hội dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) tổ chức hội thảo "Cơ hội hợp tác CNTT với thành phố Đà Nẵng" trong khuôn khổ “Tuần CNTT Nhật Bản 2013”.
Đà Nẵng: Điểm đến của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2013.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: trong những năm qua, Đà Nẵng luôn tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng có hơn 80 doanh nghiệp và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho 25.000 lao động địa phương, tập trung trên các lĩnh vực linh kiện điện tử, gia công phần mềm, chế biến bột giấy xuất khẩu, chế biến hải sản, nông sản, lưới xuất khẩu…
Riêng lĩnh vực CNTT, ngoài những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh sản xuất trực tiếp tại TP Đà Nẵng như Công ty máy tính Nhật Bản thì phần lớn các doanh nghiệp làm công việc sản xuất gia công phần mềm (như Fsoft, Unitech, Softech…) đều là đối tác chính của các công ty Nhật Bản. Tổng doanh thu của công nghiệp phần mềm năm 2012 đạt 183 triệu USD, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 20,8 triệu USD.
Đà Nẵng được xác định là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp CNTT chủ lực của cả nước cùng với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với những ưu thế của mình, Đà Nẵng đang thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, trong đó có Nhật Bản. Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 5 doanh nghiệp Nhật Bản được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực CNTT-TT với tổng vốn là 31,4 triệu USD.
Về hạ tầng cơ sở, Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm CNTT lớn của cả nước. Đà Nẵng đã và đang xây dựng các khu công viên phần mềm và khu CNTT tập trung với diện tích hàng ngàn ha để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
"Bên cạnh những chính sách chung của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, TP Đà Nẵng còn có những ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đến hoạt động tại Đà Nẵng như: giảm 33% phí thuê mặt bằng; được sử dụng miễn phí hoặc thuê với giá rẻ đường truyền băng thông rộng cùng các dịch vụ của Trung tâm Dữ liệu TP Đà Nẵng; truy cập Internet miễn phí qua hệ thống Wi-fi TP Đà Nẵng với hơn 340 điểm truy cập...", ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết thêm.
VINASA và JISA sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takashi Igarashi - Phó Chủ tịch JISA cho biết: ở Việt Nam, Đà Nẵng là TP thứ ba được JISA chọn là điểm đến trong năm 2013. Trước đó, các tập đoàn CNTT của Nhật Bản đã có thời gian dài hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với những chính sách mà TP Đà Nẵng đã đưa ra, cá nhân ông hi vọng rằng các nhà đầu tư Nhật Bản sẻ sớm tìm kiếm được nhiều cơ hội cũng như đối tác để đầu tư trong lĩnh vực CNTT.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam rất băn khoăn về việc cách thức tiếp cận và hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Vy Văn Việt - đại diện công ty TNHH Magrabbit Việt Nam cho rằng: ở Đà Nẵng, các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm có quy mô nhỏ; lâu nay họ vẫn thường xuyên làm quen với các đối tác từ Mỹ, Châu Âu. Thị trường Nhật Bản khá mới mẻ nên các doanh nghiệp này chưa biết tiếp cận như thế nào?
Trả lời những băn khoăn trên, ông Takashi Igarashi cho hay: các doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng chính là để liên hệ và tìm kiếm đối tác trong kinh doanh, sản xuất (offshore). Các doanh nghiệp Việt Nam có thể “bắc cầu” qua Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng để tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp Nhật và ngược lại. Phía Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa việc đối thoại với các doanh nghiệp Đà Nẵng để có thể tìm được “tiếng nói chung”.
Với tư cách là doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Nhật Bản cùng với kinh nghiệm 8 năm tham gia làm offshore cho đối tác Nhật Bản, ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc Công ty FPT Software - Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm để có thể thành công với các dự án offshore cho đối tác Nhật Bản. Cụ thể là các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đề cao năng suất và chất lượng trong quá trình hợp tác vì thế các doanh nghiệp Việt Nam phải có những phương án khả thi, đặt ra những chuẩn chung cho các dự án, muốn vậy không gì hơn ngoài việc cần thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin với đối tác.
Theo Quang Mậu
ICTNews